Giá dầu tăng 9%, vượt 30 USD/thùng
Thị trường New York phiên cuối tuần, giá dầu thô tăng 9% lên 32,19 USD/thùng
Phiên giao dịch ngày thứ Sáu, giá dầu tăng mạnh khi nhà đầu tư đẩy mạnh mua dầu ở mức giá thấp, theo tin từ CNBC.
Cũng trong ngày thứ Sáu, Công ty Dịch vụ Năng lượng Baker Hughes công bố trong tuần qua các công ty Mỹ đóng cửa thêm 5 giàn khoan dầu, tổng số giàn khoan dầu đang hoạt động hiện còn 510. Cùng thời điểm này năm ngoái, các công ty Mỹ đang vận hành 1.317 giàn khoan dầu.
Hiện nay, mỗi ngày trôi qua, thế giới vẫn tiếp tục thừa thêm 2 triệu thùng dầu. Thời tiết mùa đông ấm áp hơn mọi năm khiến nhu cầu đối với nhiên liệu đốt nóng rất thấp, vì vậy càng có thêm yếu tố khiến dầu ngày một dư thừa.
Trong hai phiên ngày thứ Năm và thứ Sáu của tuần này, khi giá dầu đã chạm mức thấp nhất từ năm 2003, nhà đầu tư đẩy mạnh mua vào nhiều hơn khiến giá dầu tăng mạnh trở lại.
Trên thị trường London, giá dầu Brent giao kỳ hạn tháng 3 tăng 2,67 USD/thùng tương đương 9,13% lên 31,92 USD/thùng, như vậy giá dầu có phiên tăng mạnh nhất kể từ tháng 8/2015.
Còn tại thị trường New York, giá dầu thô tăng 2,66 USD/thùng tương đương 9% lên 32,19 USD/thùng.
Tuy nhiên theo nhận định của nhiều chuyên gia trên thị trường năng lượng, giá dầu sẽ khó duy trì được đà tăng trong 2 phiên vừa qua. Hiện nguồn cung dầu vẫn thừa quá nhiều, ngoài ra các nước xuất khẩu dầu mỏ lớn của thế giới cũng chưa phát đi bất kỳ tín hiệu nào về việc sẽ giảm sản lượng.
Hiện tại, yếu tố kinh tế Trung Quốc đang tác động tiêu cực đến giá dầu. Trong năm 2015 cũng như từ đầu năm 2016 đến nay, đã rất nhiều phiên giá dầu giảm bởi những thông tin kinh tế xấu từ Trung Quốc.
Ngày thứ Năm, chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu, ông Mario Draghi khẳng định ngân hàng này đang tính đến việc sẽ đưa ra thêm nhiều chính sách kích thích kinh tế cho khu vực đồng tiền chung châu Âu.
Ngân hàng Trung ương Nhật cũng công bố sẽ gia tăng quy mô chương trình mua tài sản trong buổi họp chính sách vào cuối tháng 1 này. Giới đầu tư kỳ vọng một loạt các chương trình hỗ trợ kinh tế sẽ giúp nhu cầu dầu tăng cao hơn.
Việc giá dầu giảm suốt 19 tháng qua đã khiến ngân sách của nhiều quốc gia như Venezuela và Nigeria cạn kiệt, hai nước này đã liên tục hối thúc OPEC giảm sản lượng để cứu giá dầu. Tuy nhiên đề nghị trên đã bị các nước lớn như Saudi Arabia bác bỏ, họ khẳng định sẽ chỉ làm vậy nếu các nước xuất khẩu dầu mỏ lớn ngoài OPEC chấp thuận thu hẹp sản xuất năng lượng.