07:37 15/01/2015

Giá dầu tăng mạnh nhất trong 2 năm rưỡi

Diệp Vũ

Bất chấp phiên phục hồi mạnh này, giá dầu đã giảm khoảng 60% từ tháng 6 năm ngoái

Với sản lượng dầu đá phiến của Mỹ lên mức cao và Tổ chức Các nước xuất 
khẩu dầu lửa (OPEC) quyết tâm không giảm sản lượng, giới phân tích cho 
rằng giá dầu sẽ tiếp tục chịu áp lực giảm do tình trạng thừa cung - Ảnh: Bloomberg/Getty.<br>
Với sản lượng dầu đá phiến của Mỹ lên mức cao và Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) quyết tâm không giảm sản lượng, giới phân tích cho rằng giá dầu sẽ tiếp tục chịu áp lực giảm do tình trạng thừa cung - Ảnh: Bloomberg/Getty.<br>
Sau mấy phiên liên tục giảm, giá dầu thế giới đã phục hồi mạnh trong phiên giao dịch hôm qua (14/1) với mức tăng mạnh nhất trong 2 năm rưỡi.

Theo tin từ Reuters, lúc đóng cửa tại thị trường Mỹ, giá dầu thô ngọt nhẹ giao tháng 2 dừng ở mức 48,48 USD/thùng, tăng 5,6% so với phiên trước. Đây là phiên tăng giá mạnh nhất của loại dầu này kể từ tháng 6/2012. Tại thị trường London, giá dầu thô Brent biển Bắc chốt phiên với mức tăng 2,24 USD/thùng, tương đương khoảng 3%, dừng ở 48,27 USD/thùng.

Đầu phiên hôm qua, dầu đã giảm giá xuống mức thấp nhất gần 6 năm sau khi số liệu thống kê cho thấy dự trữ dầu thô của Mỹ tăng và Ngân hàng Thế giới (WB) cắt giảm dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu.

Cơ quan Năng lượng Mỹ(EIA) cho biết, dự trữ dầu thô của nước này tăng 5,4 triệu thùng trong tuần trước, vượt xa mức dự báo tăng 417.000 thùng mà giới phân tích đưa ra trước đó, cho thấy thị trường tiếp tục dư thừa cung. Việc WB hạ dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu về 3% từ mức 3,4% đưa ra trong lần dự báo trước càng củng cố thêm những lo ngại về sự giảm tốc trong nhu cầu tiêu thụ dầu.

Bất chấp phiên phục hồi mạnh này, giá dầu đã giảm khoảng 60% từ tháng 6 năm ngoái. Sự sụt giảm “kinh hoàng” của giá dầu đang gây sức ép lớn đối với các nền kinh tế phụ thuộc vào xuất khẩu năng lượng. Bộ trưởng Bộ Tài chính Nga Anton Siluanov hôm qua cho biết nước này có thể sẽ cắt giảm 10% chi tiêu ngân sách ở tất cả các lĩnh vực trừ quốc phòng.

Cùng với đó, nền kinh tế châu Âu cũng đang ở trong tình trạng ì ạch cho dù Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đã tung ra một chương trình mua trái phiếu quy mô lớn nhằm kích thích tăng trưởng.

“Nền kinh tế toàn cầu đang vận hành với một động cơ duy nhất là kinh tế Mỹ. Điều này không mở ra một triển vọng tươi sáng”, chuyên gia kinh tế trưởng Kaushik Basu của WB nhận định.

Với sản lượng dầu đá phiến của Mỹ lên mức cao và Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) quyết tâm không giảm sản lượng, giới phân tích cho rằng giá dầu sẽ tiếp tục chịu áp lực giảm do tình trạng thừa cung. Gần đây, nhiều tổ chức dự báo đã đồng loạt cắt giảm giá dầu cho năm 2015 và 2016, trong đó có những dự báo cho rằng giá dầu sẽ giảm về mức 30 USD/thùng.

Phiên tăng giá hôm qua của dầu diễn ra 1 ngày trước khi hợp đồng giao tháng 2 của dầu Brent hết hạn, và cùng ngày hợp đồng dầu ngọt nhẹ hết hạn. Theo giới phân tích, giá dầu tăng phiên này có thể là kết quả của việc các nhà đầu tư bán khống dầu trước đó mua vào để đóng hợp đồng.

Ngoài ra, giá dầu cũng được hỗ trợ bởi việc đồng USD giảm giá so với các đồng tiền chủ chốt khác.