08:36 09/04/2016

Giá dầu tăng vọt 7% phiên cuối tuần

Đan Nguyên

Thông tin dự trữ dầu thô giảm sâu, kinh tế của nhiều nền kinh tế lớn trên thế giới phát triển tốt đã hỗ trợ quan trọng cho giá dầu

Đã có thêm 8 giàn khoan dầu tại Mỹ đóng cửa trong tuần qua, hiện chỉ còn 354 giàn khoan đang hoạt động - Ảnh: GB.
Đã có thêm 8 giàn khoan dầu tại Mỹ đóng cửa trong tuần qua, hiện chỉ còn 354 giàn khoan đang hoạt động - Ảnh: GB.
Phiên giao dịch ngày thứ Sáu, giá dầu tăng mạnh bởi thông tin dự trữ dầu thô trong tuần qua giảm sâu, nhà đầu tư hy vọng vào khả năng tình trạng dư cung bắt đầu thoái trào, theo tin từ CNBC.

Trên thị trường New York, giá dầu thô ngọt nhẹ WTI giao tháng 5/2016 đóng cửa ngày thứ Sáu ở mức 39,72 USD/thùng, tăng 2,46 USD/thùng tương đương 6,6%. Tính cả tuần, giá dầu tăng được 7,96%.

Thị trường London, giá dầu Brent giao tháng 5 tăng 2,38 USD/thùng tương đương 6% lên mức 41,81 USD/thùng. Trong tuần qua, giá dầu Brent cũng ghi nhận mức tăng 7%.

Chính phủ Mỹ công bố dự trữ dầu thô tại Mỹ giảm gần 5 triệu thùng trong tuần qua trong khi giới chuyên gia từng dự báo dự trữ này sẽ tăng 3,2 triệu thùng. 

Còn theo số liệu từ công ty dữ liệu thị trường Genscape, đường ống dẫn dầu Keystone đóng cửa khiến sản lượng dầu chuyển đến Oklahoma giảm 480 nghìn thùng trong khoảng thời gian 1 tuần tính đến ngày thứ Ba tuần này.

Ngoài ra, công ty dịch vụ năng lượng Baker Hughes cũng đưa ra thông tin cho thấy đã có thêm 8 giàn khoan dầu tại Mỹ đóng cửa trong tuần qua, hiện chỉ còn 354 giàn khoan đang hoạt động. Cùng kỳ năm ngoái, số lượng giàn khoan dầu đang hoạt động là 760.

Thời gian gần đây, một số giàn khoan dầu ở khu vực biển Bắc đang đóng cửa trong thời kỳ bảo trì cho mùa hè, yếu tố này cũng giúp hạn chế bớt nguồn cung ra thị trường. 

Nhà đầu tư trên thị trường dầu thế giới cũng đang rất lạc quan vào khả năng nhu cầu năng lượng toàn cầu sẽ tăng. Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) công bố kinh tế Mỹ sẽ không ngừng tăng trưởng mạnh, còn Moody's trong khi đó dự báo kinh tế Đức sẽ vẫn tiếp tục tăng trưởng tốt, tốc độ tăng trưởng của năm nay dự kiến ở mức 1,8%.

Theo Bộ Năng lượng Nga, nhiều khả năng sản xuất năng lượng của Nga trong tháng 4 đã bắt đầu sụt giảm, Bộ trưởng Năng lượng nước này khẳng định có thể tin vào khả năng nhóm nước tham gia cuộc họp vào ngày 17/4 tới sẽ đồng ý đóng băng sản lượng.

Dù vậy, vẫn còn rất nhiều tổ chức đầu tư, trong đó có Jefferies cảnh báo giá dầu có thể giảm sâu trở lại và rằng hiện tại còn quá sớm để tin vào sự phục hồi bền vững của giá dầu. Nguyên nhân được cho là bởi sẽ còn mất nhiều thời gian để giảm được lượng dầu dư thừa bên ngoài nước Mỹ, đặc biệt ở khu vực Trung Đông. 

Jefferies khẳng định chỉ từ thời điểm tháng 6 năm nay, thị trường dầu mới bước vào trạng thái cân bằng, từ nay đến lúc đó, giá dầu sẽ có thể tăng giảm bất thường.

Iraq công bố lượng xuất khẩu dầu hàng ngày qua các cảng miền Nam nước này trong tháng 4 trung bình ở mức 3,5 triệu thùng, cao hơn khá nhiều so với mức trung bình 3,29 triệu thùng của tháng 3. Thị trường vì vậy có lý do để hoài nghi về khả năng thỏa thuận đóng băng sản lượng sẽ được đưa ra trong buổi họp sắp tới.

Tại Iran, đất nước mới được phương Tây giỡ bỏ lệnh trừng phạt vào tháng 1 năm nay, chính phủ nước này khẳng định họ sẽ không giảm sản lượng cho đến khi mức xuất khẩu hàng ngày đạt 4 triệu thùng.