07:55 29/09/2016

Giá dầu tăng vọt sau thỏa thuận giảm sản lượng của OPEC

Đan Nguyên

Chi tiết mức giảm sản lượng áp dụng cho từng quốc gia sẽ được công bố cụ thể trước buổi họp tiếp theo vào cuối tháng 11/2016

Thỏa thuận cắt giảm sản lượng đồng thời đánh dấu bước chuyển mới trong quan hệ Saudi Arabia và Iran - Ảnh: Reuters
Thỏa thuận cắt giảm sản lượng đồng thời đánh dấu bước chuyển mới trong quan hệ Saudi Arabia và Iran - Ảnh: Reuters
Ngày hôm qua, thành viên thuộc Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) đã chính thức đồng ý cắt giảm sản lượng dầu mỏ lần đầu tiên trong 8 năm. Động thái này đã nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ từ thị trường dầu mỏ, qua đó đẩy giá dầu tương lai tăng 6% sau khi thông tin trên được công bố, theo tin từ Bloomberg.

Cụ thể, theo Bộ trưởng Năng lượng Iran, các thành viên OPEC sẽ giảm sản lượng hàng ngày từ 33 triệu thùng xuống 32,5 triệu thùng. Trong khi nhiều thành viên OPEC phải giảm sản lượng thì Iran sẽ không cần phải làm như vậy.

Chi tiết mức giảm sản lượng áp dụng cho từng quốc gia sẽ được công bố cụ thể trước buổi họp tiếp theo của nhóm cũng về vấn đề này vào cuối tháng 11/2016.

Thỏa thuận giảm sản lượng được đánh giá sẽ có lợi cho rất nhiều các bên hiện đang tham gia trên thị trường năng lượng thế giới, từ các tập đoàn năng lượng lớn như Exxon Mobil cho đến các công ty khai thác dầu đá phiến Mỹ hay các nền kinh tế phụ thuộc nhiều vào nguồn thu từ dầu mỏ như Nga, Saudi Arabia.

“Rõ ràng động thái chấp thuận giảm sản lượng mới nhất sẽ mang lại nhiều tác động tích cực đến thị trường. Điều quan trọng nhất là Saudi Arabia đang thể hiện rõ vai trò lãnh đạo thị trường của họ”, trưởng bộ phận nghiên cứu về thị trường năng lượng tại ngân hàng Societe Generale SA ở New York, nhận xét.

Thỏa thuận cắt giảm sản lượng đồng thời đánh dấu bước chuyển mới trong quan hệ Saudi Arabia và Iran. Quan hệ ngoại giao giữa hai nước này đã trở nên khá căng thẳng từ năm 2014 bởi hai bên ủng hộ cho hai phe phái đối lập nhau trong cuộc nội chiến tại Syria và Yemen.

Sự đồng thuận mới cho thấy với sự hỗ trợ và điều phối của Nga, Algeria và Qatar, chính phủ Saudi Arabia và Iran đã có thể vượt qua được những khác biệt.

Dù cuối cùng OPEC đã đạt được thỏa thuận nhất định, thế nhưng theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), thị trường năng lượng năm sau sẽ vẫn tiếp tục khó khăn. Nhận định trên cũng được chia sẻ bởi người đứng đầu công ty giao dịch năng lượng lớn nhất thế giới, Vitol Group BV. Theo đó, thị trường dầu thế giới được cho là sẽ bị dư thừa nguồn cung cho đến năm 2018 trừ khi các nước sản xuất dầu trên thế giới ngừng bơm dầu ào ạt ra thị trường.

Trước cuộc họp trên, sản lượng dầu của Nga đã lập mức đỉnh cao nhất trong 25 năm. Sản lượng dầu trung bình của Nga trong tháng 9/2016 ước khoảng 11,1 triệu thùng dầu/ngày, tăng 400 nghìn thùng so với tháng 8/2016.

Trên thị trường năng lượng thế giới, chốt phiên giao dịch ngày thứ Tư, trên thị trường London, giá dầu Brent giao kỳ hạn tháng 11/2016 tăng 2,27 USD/thùng tương đương 5,9% lên 48,69 USD/thùng.

Thị trường New York, giá dầu thô ngọt nhẹ WTI kỳ hạn tháng 11/2016 tăng 2,38 USD/thùng tương đương 5,3% và chốt phiên ở mức 47,05 USD/thùng. Trong phiên đã có lúc giá dầu WTI chạm mức 47,45 USD/thùng, mức giá dầu giao dịch trong phiên cao nhất từ ngày 8/9/2016.

Thị trường chứng khoán Mỹ cũng tăng điểm sau thông tin tích cực trên thị trường năng lượng. Cổ phiếu nhóm ngành năng lượng tăng 4%, đánh dấu phiên tăng điểm mạnh nhất tính từ tháng 1/2016.