09:27 21/05/2015

Giá dầu thế giới tăng sau 5 ngày liên tục giảm

Diệp Vũ

Cho dù tăng trở lại, giá dầu vẫn chịu sức ép đi xuống do đồng USD mạnh và nguồn cung dồi dào

Trong phiên giao dịch ngày 19/5, giá dầu giảm 3% do đồng USD tăng giá mạnh và mối lo về tình trạng dư thừa dầu.
Trong phiên giao dịch ngày 19/5, giá dầu giảm 3% do đồng USD tăng giá mạnh và mối lo về tình trạng dư thừa dầu.
Giá dầu thô thế giới tăng trở lại trong phiên giao dịch ngày 20/5, chấm dứt chuỗi 5 phiên liên tục đi xuống trước đó. Giá nhiên liệu tăng sau khi có tin lượng dầu tồn kho của Mỹ giảm, nhưng vẫn chịu sức ép đi xuống do đồng USD mạnh và nguồn cung dầu toàn cầu tiếp tục dồi dào.

Hãng tin Reuters dẫn số liệu hàng tuần từ Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) cho biết, tồn kho dầu thô của nước này trong tuần trước giảm 2,7 triệu thùng, mạnh hơn dự báo của giới phân tích và đánh dấu tuần giảm thứ ba liên tục do các nhà máy lọc dầu tăng sản lượng đầu ra. Tồn kho xăng và các sản phẩm chưng cất cũng giảm.

Giá dầu được hỗ trợ bởi dữ liệu về tồn kho dầu của Mỹ, nhưng lại đương đầu áp lực giảm do tỷ giá đồng USD tăng lên mức cao nhất trong 2 tuần so với một rổ tiền tệ. Tỷ giá đồng bạc xanh đã tăng cao trước khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) công bố biên bản cuộc họp tháng 4 nói sẽ là quá sớm nếu tăng lãi suất trước tháng 6.

Dưới tác động trái chiều của hai yếu tố trên, giá dầu thô ngọt nhẹ giao sau tại thị trường New York chốt phiên tăng 0,99 USD/thùng, tương đương tăng 1,7%, lên mức 58,98 USD/thùng.

Giá dầu thô Brent tại thị trường London đóng cửa với mức tăng 1,01 USD/thùng, tương đương tăng 1,6%, đạt 65,03 USD/thùng.

Trước đó, trong phiên giao dịch ngày 19/5, giá dầu giảm 3% do đồng USD tăng giá mạnh và mối lo về tình trạng dư thừa dầu. Ngân hàng Goldman Sachs cùng ngày công bố một báo cáo nói rằng sự dư thừa nguồn cung sẽ khiến giá dầu quay về mức đáy của năm 2015.

Phiên tăng giá ngày 20/5 của dầu còn xuất phát từ những thống kê kinh tế khả quan của khu vực châu Á. Trong quý 1, nền kinh tế lớn thứ ba thế giới là Nhật Bản tăng trưởng 2,4%.

Bên cạnh đó, giá nhiên liệu còn được hỗ trợ bởi căng thẳng địa chính trị. Bất ổn tiếp tục diễn ra ở Yemen, nơi lực lượng do Saudi Arabia dẫn đầu tăng cường chiến dịch ném bom nhằm vào lực lượng phiến quân Houthi do Iran hậu thuẫn.

Yemen không phải là một nước sản xuất dầu lớn nhưng nằm kề bên những tuyến đường vận chuyển dầu huyết mạch và có chung đường biên giới với nước xuất khẩu dầu lửa lớn nhất thế giới Saudi Arabia.