Giá dầu tiếp tục giảm sâu
Đồng USD bất ngờ tăng giá lên mức cao nhất trong 4 tháng so với nhiều loại tiền tệ lớn của thế giới, qua đó tác động tiêu cực lên giá dầu
Phiên giao dịch ngày thứ Ba, giá dầu giảm phiên thứ hai liên tiếp bởi đồng USD tăng giá dù số liệu mới công bố cho thấy dự trữ dầu giảm nhẹ, theo Reuters cập nhật.
Viện Xăng dầu Mỹ (API) công bố dự trữ dầu thô tại Mỹ giảm 2,3 triệu thùng trong tuần trước, cao hơn so với mức dự báo giảm 2,1 triệu thùng của giới chuyên gia. Hôm nay, Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) sẽ đưa ra số liệu về dự trữ dầu chính thức. Trước đó, nguồn cung xăng dầu tại Mỹ đã giảm 8 tuần liên tiếp.
Thông thường, thông tin như vậy sẽ giúp giá dầu tăng, tuy nhiên trong ngày hôm qua, sự chú ý của thị trường lại tập trung vào việc nguồn cung nhiên liệu tại Mỹ đã lên quá cao trong mùa hè vừa qua.
Những tuần gần đây, khi chỗ chứa nhiên liệu trên bờ đã hết, các công ty năng lượng Mỹ chuyển sang trữ sản phẩm thừa trong các tàu gần bờ biển. Nhiều chuyên gia phân tích chỉ ra kể cả khi dự trữ dầu thô giảm, sản lượng nhiên liệu tăng vẫn khiến thị trường rất lo lắng.
Trên thị trường London, giá dầu Brent giao tháng 8/2016 giảm 30 cent tức 0,6% xuống 46,66 USD/thùng. Thị trường New York, giá dầu thô ngọt nhẹ WTI giảm 59 cent tức 1,3% xuống 44,65 USD/thùng, phiên trước đó giá dầu WTI đã mất 1,6%.
Chênh lệch giữa mức giá dầu Brent và giá dầu WTI như vậy đã lên mức cao nhất từ cuối tháng 4/2016.
Phiên hôm qua, đồng USD bất ngờ tăng giá lên mức cao nhất trong 4 tháng so với nhiều loại tiền tệ lớn của thế giới, đồng USD tăng thường tác động tiêu cực lên giá dầu.
Tại Libya, một cuộc đình công khá lớn của công nhân ngành năng lượng đã nổ ra tại tại khu vực cảng phía Đông của Libya, theo ước tính ban đầu, cuộc đình công này khiến sản lượng dầu xuất khẩu của Libya giảm khoảng 100 nghìn thùng/ngày.
Số liệu mới công bố cho thấy Ấn Độ, một nước tiêu thụ khá nhiều sản phẩm năng lượng của thế giới đã nhập khẩu mạnh dầu trong tháng 6, nhờ vậy mà Iraq và Saudi Arabia xuất được nhiều dầu hơn. Lượng xuất tháng 6/2016 của hai nước này lên cao hơn hẳn so với 2 tháng trước đó. Hiện tại Iraq đang cung cấp khoảng hơn 20% lượng dầu nhập khẩu vào Ấn Độ.
Không ít chuyên gia dự báo trong thời gian tới Ấn Độ sẽ vẫn tiếp tục mua nhiều các sản phẩm năng lượng bởi chính phủ nước này đang đặt mục tiêu xây dựng 3 khu vực dự trữ sản phẩm năng lượng chiến lược tại nước này. Sản lượng nhập của Ấn Độ sẽ tăng ước khoảng 91 triệu thùng dầu/năm từ nay đến hết năm 2020.