13:16 19/06/2016

Giá xăng trong nước có thể giảm vào ngày 20/6

Lâm An

Lãnh đạo một doanh nghiệp đầu mối xăng dầu cho biết, giá xăng trong nước có khả năng sẽ được điều chỉnh giảm

Kể từ ngày 21/3 đến nay, giá xăng đã tăng lần thứ 6 liên tiếp với mức tăng tổng cộng gần 2.000 đồng/lít.
Kể từ ngày 21/3 đến nay, giá xăng đã tăng lần thứ 6 liên tiếp với mức tăng tổng cộng gần 2.000 đồng/lít.
Lãnh đạo một doanh nghiệp đầu mối xăng dầu cho biết, giá xăng thế giới trong kỳ vừa rồi có xu hướng giảm nhẹ. Do đó, giá xăng trong nước có khả năng sẽ được điều chỉnh giảm.

Theo chu kỳ điều chỉnh giá xăng dầu, hôm nay (19/6) sẽ là thời điểm liên bộ Tài chính - Công Thương công bố giá xăng dầu cơ sở. Tuy nhiên, do rơi vào ngày Chủ nhật nên việc điều chỉnh giá được chuyển sang ngày mai (20/6).

Trao đổi sáng ngày 19/6, lãnh đạo một doanh nghiệp đầu mối xăng dầu cho biết, giá xăng thế giới trong kỳ vừa rồi có xu hướng giảm nhẹ. Do đó, giá xăng trong nước có khả năng sẽ được điều chỉnh giảm.

“Nếu giữ nguyên mức chi sử dụng quỹ bình ổn và các chính sách thuế, phí như hiện tại thì giá xăng có cơ hội giảm 200 - 300 đồng/lít”, vị này cho biết.

Tuy nhiên, giá dầu có diễn biến ngược lại nên nếu không tăng mức chi sử dụng quỹ bình ổn thì giá dầu sẽ tăng nhẹ 150 - 200 đồng/lít, kg.

Trong lần điều chỉnh gần nhất vào ngày 4/6, sau khi trích lập và chi sử dụng quỹ bình ổn, giá xăng RON92 tăng 680 đồng/lít lên mức tối đa 16.509 đồng/lít, xăng E5 tăng 668 đồng/lít lên 15.983 đồng/lít; giá các mặt hàng dầu tăng 241-650 đồng/lít (kg) mỗi loại.

Đây là lần thứ 6 liên tiếp giá xăng trong nước được điều chỉnh tăng kể từ ngày 21/3, với mức tăng tổng cộng gần 2.000 đồng/lít.

Kể từ sau kỳ điều hành ngày 4/6, giá xăng dầu thành phẩm thế giới liên tục có xu hướng giảm. Theo số liệu cập nhật đến ngày 15/6 của Bộ Công Thương, trên thị trường Singapore-thị trường nhập khẩu chính của doanh nghiệp Việt Nam, giá xăng RON92 ở mức 54,75 USD/thùng, thấp hơn so với mức 57 - 58 USD/thùng trong kỳ điều hành trước.

Liên quan đến điều hành giá xăng dầu, trước dư luận trái chiều, mới đây Bộ Tài chính đã có phản hồi chính thức về cách tính thuế nhập khẩu xăng dầu theo bình quân gia quyền đang áp dụng hiện nay.

Theo Bộ Tài chính, việc dùng mức thuế suất ưu đãi, hay thuế suất ưu đãi đặc biệt hoặc thuế suất thông thường, hay bình quân gia quyền các mức thuế suất để tính giá cơ sở đều phù hợp với Nghị định 83.

Đồng thời, Bộ khẳng định, trong giai đoạn này, thuế nhập khẩu trong công thức tính giá cơ sở được tính theo mức thuế nhập khẩu bình quân gia quyền là hợp lý nhất, giải quyết được hài hòa quyền lợi giữa Nhà nước, doanh nghiệp và người tiêu dùng, đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.

Để xử lý triệt để tác động hội nhập đến hoạt động sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng xăng dầu trong nước, Bộ Tài chính cho rằng, về lâu dài phương pháp điều hành dùng giá cơ sở căn cứ vào giá nhập khẩu là không còn phù hợp do đến năm 2017, nhà máy lọc dầu Nghi Sơn đi vào hoạt động thương mại, nên cơ bản xăng dầu trong nước đủ đáp ứng nhu cầu tiêu thụ.

Bên cạnh đó, theo Bộ Tài chính, mục đích của việc sử dụng giá cơ sở là để bình ổn giá vì vậy, trong quá trình điều hành giá cơ sở phải sử dụng công cụ ngoài thuế như trích quỹ bình ổn giá, chi phí định mức, lợi nhuận định mức… nên nhiều khi giá bán xăng dầu trong nước có chênh lệch thấp hơn các nước láng giềng, gây tình trạng buôn lậu nên lại phải tìm biện pháp hạn chế.