14:10 15/07/2016

Hàng triệu kết quả “thực phẩm bẩn” trên Google

Lâm An

“Bây giờ chỉ cần tìm từ khoá ‘thực phẩm bẩn’, ngay lập tức nhận được hàng triệu kết quả”

Hội thảo nông nghiệp an toàn: “Giải pháp thúc đẩy trách nhiệm thực thi trong chuỗi giá trị nông nghiệp” do Ban Kinh tế Trung ương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn và Thời báo Kinh tế Việt Nam tổ chức sáng 15/7 tại Hà Nội.<b><br></b>
Hội thảo nông nghiệp an toàn: “Giải pháp thúc đẩy trách nhiệm thực thi trong chuỗi giá trị nông nghiệp” do Ban Kinh tế Trung ương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn và Thời báo Kinh tế Việt Nam tổ chức sáng 15/7 tại Hà Nội.<b><br></b>
Phát biểu tại hội thảo nông nghiệp an toàn: “Giải pháp thúc đẩy trách nhiệm thực thi trong chuỗi giá trị nông nghiệp” sáng nay (15/7), ông Phạm Xuân Đương, Phó trưởng Ban thường trực Ban Kinh tế Trung ương đánh giá, tăng trưởng và giá trị gia tăng trong ngành nông nghiệp trong những năm gần đây có xu hướng giảm và vấn đề mất vệ sinh, an toàn thực phẩm ngày một được quan tâm.

“Con sâu không chỉ làm rầu nồi canh”

Theo ông Phạm Xuân Đương, thực phẩm không an toàn sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy trầm trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến an ninh lương thực, sinh kế, đời sống và sức khỏe của người dân, thậm chí còn ảnh hưởng đến chất lượng giống nòi Việt Nam, hơn nữa là niềm tin của người tiêu dùng trước những giá trị về kinh tế, văn hóa và đạo đức của các sản phẩm do con người tạo ra và tác động đến quyết định đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp của các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp.

Nói về thực trạng này, ông Hồ Quang Lợi, Phó chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam nói: “Bây giờ chỉ cần tìm từ khoá “thực phẩm bẩn”, ngay lập tức nhận được hàng triệu kết quả trên Google. Điều này cho thấy sự quan tâm của toàn xã hội trong bối cảnh thực phẩm bẩn đang đe dọa sức khoẻ, cuộc sống hàng ngày”.

“Tầm vóc của người Việt trong top 4 cuối của thế giới. Với thực trạng thực phẩm bẩn, chất lượng giống nòi của Việt Nam đang bị đe doạ. Vấn nạn thực phẩm bẩn đã gây hoang mang cho toàn xã hội. Cuộc chiến này dù có sự tham gia nhiều bên nhưng vẫn chưa thể đẩy lùi”, ông Lợi nhấn mạnh.

Ông Lợi cũng cho rằng, mục tiêu của chúng ta là xây dựng nông nghiệp an toàn, loại bỏ thực phẩm ra khỏi xã hội. Vì vậy, phải tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tạo ra sản phẩm sạch. Cơ quan báo chí truyền thông cần có thông điệp tích cực tránh gây hoang mang.

Không chỉ thị trường trong nước, theo TS Lê Đăng Doanh, “vấn nạn” thực phẩm không an toàn còn ảnh hưởng tới xuất khẩu các mặt hàng nông sản của Việt Nam. Vị chuyên gia cũng chỉ ra rằng, trên thị trường xuất khẩu, một thực trạng đáng lo ngại là tình trạng vi phạm các quy định về chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm diễn ra kéo dài và không giảm bớt ở hầu hết các thị trường chủ yếu.

“Điển hình là thủy sản xuất sang Nhật Bản thường xuyên gặp khó khăn do vượt dư lượng kháng sinh cho phép, bị bơm mước hay tạp chất vào tôm để tăng trọng, kể cả nhét đinh vào đầu tôm để tăng trọng lượng. Ở đây, ‘con sâu không chỉ làm rầu nồi canh’ mà còn phá hỏng thương hiệu quốc gia khi phía Nhật Bản đã nhiều lần đe dọa đình chỉ nhập khẩu tôm”, ông Doanh cho biết.

Sản xuất nông sản sạch “đắt”


Lý giải về nguyên nhân để xảy ra tình trạng trên, TS. Lê Đăng Doanh cho rằng, những yếu đó bắt nguồn từ sản xuất manh mún, quy mô nhỏ lẻ, tự phát, chưa theo tín hiệu thị trường, trang thiết bị lạc hậu, lao động chưa được đào tạo. Việc sử dụng quá mức thuốc bảo vệ thực vật, phân bón hóa học… đã ảnh hưởng đến môi trường, chất lượng sạch của nông sản, sự đa dạng sinh học và cân bằng sinh thái.

Ở một góc độ khác, TS. Vũ Tuấn Anh - Viện Kinh tế Việt Nam (Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam) chỉ ra rằng, tiến trình mở rộng sản xuất nông sản theo tiêu chuẩn an toàn thực phẩm (nông sản “sạch”) ở Việt Nam còn gặp phải vướng mắc về “vốn” bởi sản xuất nông sản sạch đòi hỏi suất đầu tư tương đối lớn.

Theo ông Tuấn Anh, đại bộ phận nông sản là do các hộ tiểu nông sản xuất theo cách thức truyền thống do có vốn liếng ít ỏi, không có điều kiện tích tụ vốn hoặc vay vốn lớn để đầu tư trang thiết bị hiện đại.

Tình trạng chạy theo lợi ích cục bộ, ngắn hạn của cả hai bên liên kết - doanh nghiệp và các hộ nông dân - dẫn đến việc tự ý phá vỡ các hợp đồng cam kết về sản xuất và cung ứng nông phẩm “sạch” và làm cho các hộ tiểu nông quay trở lại với phương thức sản xuất nhỏ.

“Chưa nói đến việc đầu tư trang bị sản xuất theo phương thức công nghiệp ở các cơ sở sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, tại các cánh đồng do nông dân thực hiện GAP, chi phí cho sản xuất sạch thường cao hơn sản xuất theo cách thức thông thường”, ông Tuấn Anh nói.

Vị chuyên gia cũng chỉ ra rằng, chỉ tính riêng chi phí để chứng nhận tiêu chuẩn GAP cho mỗi “cánh đồng lớn” do vài chục hộ nông dân canh tác cũng lên tới hàng chục thậm chí hàng trăm triệu đồng. Khoản này đội giá thành lên vài trăm đồng trên mỗi kg thóc.

Trong khi đó, nông sản trồng theo GAP như lúa, cây ăn trái, chè… ở một số địa phương do không có đầu mối đưa đến tận tay người tiêu dùng nên khi được bán ra chợ hoặc thu gom bởi các thương lái, thì lại hòa lẫn với các nông sản trồng theo phương thức thông thường, vì vậy cũng chỉ bán với giá thông thường. “Đầu ra tiêu thụ” là trở ngại lớn hiện nay làm tiêu tan sự hào hứng của người sản xuất đối với nông sản sạch.

Chế tài còn chưa đủ sức răn đe

Tại hội thảo, các chuyên gia cũng cho rằng, những quy định pháp luật hiện nay đều có nhưng chưa đủ sức răn đe. Trong khi đó, bộ máy quản lý nhà nước không xác định được trách nhiệm của các tổ chức và cá nhân cụ thể về an toàn thực phẩm, không ai bị kỷ luật khi để tình trạng mất an toàn thực phẩm tràn lan. Công tác thanh tra kiểm soát của lực lượng chức năng không tốt, không nghiêm, còn tình trạng bao che, thông đồng.

Ông Ngô Văn Hiệp - Trưởng Phòng Luật sư tại Hà Nội nêu ý kiến: “Tôi đã nghiên cứu và thấy cơ bản văn bản, quy định hiện nay khá hoàn chỉnh nhưng vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm ngoài việc doanh nghiệp và các cá nhân bất chấp đạo đức mà còn do công tác thanh tra, kiểm tra nhà nước còn kém. Hầu hết các vụ việc vi phạm hiện nay đều do báo chí hoặc người dân thông báo, cơ quan quản lý rất thụ động. Bên cạnh đó, chế tài không có hoặc quá nhẹ cũng là nguyên nhân khiến người ta không tuân thủ. Về nội dung này, cơ quan nhà nước cần xem lại”.

Một điểm hạn chế cũng được chỉ ra là, số đông người tiêu dùng vẫn chưa nhận thức đầy đủ về an toàn thực phẩm và vì vậy chưa có lối sống tiêu dùng thực phẩm sạch và chưa đòi hỏi nghiêm khắc đối với chất lượng an toàn.

Trong mua bán thực phẩm, những tiêu chuẩn tươi, đẹp, bắt mắt, thơm ngon và rẻ thường được người tiêu dùng coi là ưu tiên hơn, thậm chí đồng nghĩa với sạch, an toàn. Vì vậy, nông sản mà sản xuất và chế biến không an toàn vẫn được tiêu thụ phổ biến ở chợ, trên đường phố, các hàng quán bình dân, thậm chí được đưa vào tiêu thụ ở những siêu thị, nhà hàng cao cấp.