08:57 28/04/2017

Khủng hoảng giá lợn hơi do... dân tăng đàn xuất sang Trung Quốc

Bạch Dương

Nhiều giải pháp giải cứu thịt lợn tạm thời và lâu dài đã được Bộ Công Thương đề ra

Giá thịt lợn tại các siêu thị có xu hướng hạ nhiệt sau công văn hoả tốc kêu gọi của các bộ ngành.
Giá thịt lợn tại các siêu thị có xu hướng hạ nhiệt sau công văn hoả tốc kêu gọi của các bộ ngành.
Chiều ngày 27/4, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh đã triệu tập cuộc họp khẩn tiếp tục tìm các giải pháp cấp bách và lâu dài để tháo gỡ câu chuyện đầu ra và giải bài toán lợn hơi rớt giá.

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho rằng việc giải cứu đàn lợn tồn trong dân là việc làm cấp bách. “Khi hàng nghìn hộ dân điêu đứng vì giá lợn hơi giảm, lượng thịt lợn tồn không có đầu ra thì đây không còn là vấn đề riêng của Bộ Nông nghiệp nữa mà cần có sự vào cuộc của tất cả các bộ ngành, trong đó có Bộ Công Thương”, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nhấn mạnh.

Do người dân tăng quy mô đàn

Tại cuộc họp, các ý kiến đều cho rằng nguyên nhân cốt lõi nhất dẫn đến những khó khăn trong tiêu thụ của ngành chăn nuôi lợn thời gian qua là do các hộ nông dân tăng đàn để xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc khiến nguồn cung thịt lợn nội địa vượt quá nhu cầu trong nước.

Khi Trung Quốc tăng cường giám sát, phòng chống hoạt động nhập khẩu hàng hóa (trong đó có lợn sống) trái phép qua biên giới đất liền, hoạt động xuất khẩu lợn sống qua biên giới sang Trung Quốc ngay lập tức bị ảnh hưởng, càng gây sức ép lên giá thịt lợn trong nước.

Vấn đề quy hoạch ngành chăn nuôi của Việt Nam cũng đang tồn tại nhiều bất cập. Như nhiều mặt hàng nông sản khác, mặt hàng lợn thịt được chăn nuôi khá phân tán, quy mô nhỏ lẻ, hình thức chăn nuôi truyền thống, kiểu tận dụng với quy mô nhỏ lẻ đang tồn tại ở hầu khắp các tỉnh trong cả nước, chiếm khoảng 65-70% về đầu con nên tiêu thụ tại các vùng miền phần lớn phụ thuộc vào các tiểu thương mua gom và tự giết mổ bán cho các tiểu thương tại các chợ.

Chính điều này gây khó khăn lớn cho việc tổ chức lưu thông phân phối cũng như quản lý hoạt động của các thương nhân nhỏ lẻ ở khâu trung gian.

Hầu hết các hộ chăn nuôi đều chăn nuôi không theo tiêu chuẩn, quy chuẩn nên khi nguồn cung dư thừa rất khó để kết nối tiêu thụ vào các kênh lớn như các doanh nghiệp chế biến, giết mổ tập trung và các siêu thị.

Sản xuất tự phát nên không có hợp đồng bao tiêu dẫn tới giá bấp bênh...  Bên cạnh đó, chăn nuôi phần lớn nhỏ lẻ mang tính tự phát không theo quy hoạch, không tổ chức chuỗi từ sản xuất đến tiêu thụ.

Trong bối cảnh đó, Bộ Công Thương đã có công văn hoả tốc gửi các doanh nghiệp chế biến, giết mổ, kinh doanh thịt lợn đề nghị các doanh nghiệp phối hợp với sở công thương, sở nông nghiệp và phát triển nông thôn kết nối tiêu thụ mặt hàng lợn thịt; tăng lượng thu mua, giết mổ, chế biến, cấp đông.

Ngoài ra, trước thực trạng giá thịt lợn tại hệ thống phân phối của các siêu thị và ngoài thị trường đang chênh lệch rất lớn so với giá lợn hơi thu mua từ các hộ, trang trại, Bộ Công Thương đã có công văn hoả tốc gửi hệ thống trung tâm thương mại, siêu thị chung tay chia sẻ.

Bộ Công Thương cho biết, báo cáo sơ bộ giá bán thịt lợn ngoài thị trường đã giảm so với trước ngày 20/4/2017 khoảng 5.000-10.000 đồng/kg; nhiều siêu thị như Co.op mart, Big C, Vissan đã giảm giá bán thịt lợn trong toàn hệ thống từ 5-10%, có mặt hàng giảm 20% để kích thích nhu cầu tiêu dùng của người dân, đồng thời giữ nguyên giá thu mua để giảm bớt khó khăn cho người chăn nuôi.

Tại Tp. HCM, giá bán thịt lợn trong chương trình bình ổn thị trường đã được điều chỉnh, giá áp dụng từ sáng 27/4/2017 dao động từ 63.000-77.500 đồng/kg, cá biệt một số loại sản phẩm đặc thù có giá 87.500 đồng/kg như thịt nạc dăm, nạc vai…

Lên chương trình “giải cứu” thịt lợn

Bộ Công Thương đưa ra 3 giải pháp tạm thời cho vấn đề thịt lợn hiện nay.

Thứ nhất, Bộ sẽ chỉ đạo sở công thương phối hợp với sở nông nghiệp và phát triển nông thôn các địa phương làm việc với doanh nghiệp chế biến, giết mổ, phân phối rà soát chi phí trong các khâu nhằm tiết giảm các chi phí trung gian, giảm sự chênh lệch giữa giá thu mua và giá bán lẻ.

Đồng thời tổ chức chương trình kết nối giữa các doanh nghiệp và các vùng sản xuất, tăng cường thu mua chế biến, cấp đông nhằm hỗ trợ tiêu thụ lợn thịt cho thị trường.

Thứ hai, chỉ đạo các sở công thương kêu gọi các doanh nghiệp tham gia chương trình bình ổn thị trường ký kết hợp đồng tiêu thụ lợn thịt với các trang trại chăn nuôi để tạo nguồn cung ổn định phục vụ công tác bình ổn và bảo đảm thu mua lợn thịt cho người chăn nuôi với giá hợp lý.

Thứ ba, xem xét việc kiến nghị Chính phủ chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước có chính sách hỗ trợ vốn vay cho các doanh nghiệp chế biến, giết mổ, kinh doanh thịt lợn tăng lượng thu mua và trữ đông thịt lợn chăn nuôi trong nước...

Tuy nhiên, về lâu dài, Bộ Công Thương rằng cần phải có quy hoạch, kiểm soát chặt chẽ tổ chức sản xuất, chăn nuôi theo đúng tiêu chuẩn, quy chuẩn của các doanh nghiệp thu mua chế biến lớn trong nước và đáp ứng yêu cầu của các nước nhập khẩu để phối hợp, hỗ trợ cho Bộ Công Thương trong việc đàm phán mở rộng thị trường xuất khẩu chính ngạch.

"Trên thực tế, không phải khi xảy ra hiện tượng thịt lợn rớt giá, Bộ Công Thương mới bàn giải pháp giải cứu. Mà trước đó Bộ đã nhiều lần kiến nghị Chính phủ, Bộ Nông nghiệp, đồng thời đưa ra cảnh báo về nguy cơ lợn rớt giá, tồn kho và dự báo về khả năng cung vượt cầu”, báo cáo cho hay.

Theo đó, trong các cuộc họp Chính phủ thường kỳ tháng 2, 4, 5 của năm 2016, Bộ Công Thương đã đề cập đến vấn đề chăn nuôi lợn.