23:26 22/03/2017

Kịch bản giá điện 2017 phải lên bàn Thủ tướng trước 25/3 tới

Bảo Quyên

Phó thủ tướng yêu cầu việc xây dựng kịch bản giá điện 2017 bao gồm lộ trình, mức độ điều chỉnh giá phải nhằm bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô

Trong năm 2016, EVN cũng đã từng tính đến phương án tăng giá điện, nhưng
 sau đó đã không được Bộ Công Thương chấp thuận do mục tiêu kiềm chế lạm
 phát của Chính phủ.
Trong năm 2016, EVN cũng đã từng tính đến phương án tăng giá điện, nhưng sau đó đã không được Bộ Công Thương chấp thuận do mục tiêu kiềm chế lạm phát của Chính phủ.
Phó thủ tướng Vương Đình Huệ vừa giao Bộ Công Thương phối hợp với Bộ Tài chính và các bộ liên quan đề xuất kịch bản điều hành giá điện năm 2017 trình Thủ tướng Chính phủ trước ngày 25/3 tới.

Theo đó, cùng với việc xây dựng lộ trình, mức độ điều chỉnh giá điện, Phó thủ tướng lưu ý kịch bản điều hành giá điện năm 2017 phải nhằm bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô.

Các cơ quan liên quan chủ động tính toán phương án, chi phí, giá thành, giá bán điện năm 2017. Trong đó, phấn đấu giảm thêm tỷ lệ tổn thất điện năng để giảm chi phí, giá thành theo hướng giảm tối đa tổn thất thương mại và phấn đấu giảm tổn thất kỹ thuật.

Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) được giao thực hiện các giải pháp để quản trị và kiểm soát hiệu quả chi phí, giá thành như chi phí vật liệu đầu vào, chi phí nhân công,… của cả Tập đoàn, bao gồm cả các công ty thành viên. Xác định lộ trình phấn đấu cắt giảm 7,5 - 10% chi phí thường xuyên.

Phó thủ tướng cũng giao EVN xây dựng các phương án giá bán điện theo các kịch bản: Giá than, giá khí điều chỉnh hoặc không điều chỉnh theo thị trường; khoản chênh lệch tỷ giá đánh giá lại các khoản mục tiền tệ có gốc ngoại tệ chưa phân bổ được xử lý theo cơ chế đặc thù hoặc theo đúng chế độ, chuẩn mực kế toán quy định.

Chủ tịch EVN Dương Quang Thành cho hay trong những năm qua, EVN đã quyết liệt thực hiện các giải pháp tiết giảm chi phí, giá thành điện. Hiện giá bán lẻ điện bình quân hiện vẫn giữ nguyên trong 2 năm qua ở mức 1.622,01 đồng/kWh.

Năm 2016, Tập đoàn giao nhiệm vụ, chỉ tiêu cụ thể cho các đơn vị như tiết kiệm 5% chi phí vật liệu, dịch vụ ngoài, chi phí khác bằng tiền với tổng số tiền gần 600 tỷ đồng; ban hành quy chế khuyến khích thực hiện tối ưu hóa chi phí gắn với tiền lương, tiền thưởng.

Cũng theo lãnh đạo EVN, chi phí sản xuất điện trong thời gian gần đây liên tục biến động, thậm chí tại một số thời điểm, do thủy điện gặp khó khăn, các đơn vị đã phải chạy dầu phát điện.

Riêng với các chi phí đầu vào, bao gồm cả chi phí dịch vụ bảo vệ rừng nói trên, nếu có biến động theo chiều tăng thì việc phải điều chỉnh giá điện thương phẩm của các đơn vị phát điện là điều khó tránh khỏi.

Trong năm 2016, EVN cũng đã từng tính đến phương án tăng giá điện, nhưng sau đó đã không được Bộ Công Thương chấp thuận do mục tiêu kiềm chế lạm phát của Chính phủ.