10:38 09/08/2017

Kiểm tra thông tin hàng Việt xuất khẩu nhưng gắn mác ngoại

Song Hà

Hầu hết nông sản Việt Nam phân phối tại thị trường EU đều được đóng mác Trung Quốc, Nhật Bản... do Việt Nam xuất nguyên liệu thô qua các nước này

Không ít nông sản Việt Nam xuất khẩu nhưng bị gắn thương hiệu của các quốc gia khác.<br>
Không ít nông sản Việt Nam xuất khẩu nhưng bị gắn thương hiệu của các quốc gia khác.<br>
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vừa có chỉ đạo các bộ ngành kiểm tra, xử lý thông tin phản ánh về thương hiệu hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam.

Theo Văn phòng Chính phủ, vừa qua báo chí có phản ánh, trong đó dẫn lời ông Claudio Dordi, Tư vấn trưởng Dự án EU-MUTRAP, cho rằng hầu hết hàng hóa Việt Nam xuất khẩu sang EU chưa được nhận diện thương hiệu, chưa đầy đủ thông tin và tuân thủ các tiêu chuẩn dẫn đến lượng hàng bị trả về còn cao; hầu hết nông sản Việt Nam phân phối tại thị trường EU đều được đóng mác Trung Quốc, Nhật Bản... do Việt Nam xuất nguyên liệu thô qua các nước này.

Theo ông Claudio Dordi, 99% càphê nhập khẩu vào châu Âu có nguồn gốc từ Việt Nam, nhưng không mấy người tiêu dùng biết điều đó. Ngoài càphê, còn có cacao, chè, đồ chơi, giày dép, hàng dệt may….

Đặc biệt, người tiêu dùng châu Âu đánh đồng hàng Việt Nam và hàng Trung Quốc khiến hàng hóa Việt Nam phải chịu nhiều khó khăn khi xuất khẩu vào thị trường này và khi các nước nhập khẩu đồng loạt gia tăng những hàng rào kiểm soát chất lượng hàng hóa.

Thông qua việc phát triển các tiêu chuẩn về thực tiễn nông nghiệp tốt (GAPs), thực tiễn sản xuất tốt, truy xuất nguồn gốc và yêu cầu các nhà cung cấp phải có giấy chứng nhận chất lượng từ các tổ chức chứng nhận độc lập…các doanh nghiệp xuất khẩu bị siết chặt hơn trách nhiệm về sự an toàn của sản phẩm.

Ông Claudio Dordi cho rằng, các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam cần mau chóng tập trung đổi mới dây chuyền công nghệ, chú trọng xây dựng thương hiệu mạnh cho doanh nghiệp của mình. Ngoài ra, cần tìm hiểu và cập nhật thường xuyên những thay đổi trong chính sách hàng nhập khẩu của các thị trường đối tác.

Trước thông tin trên, Thủ tướng giao Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn theo chức năng, nhiệm vụ được phân công kiểm tra, xử lý thông tin phản ánh về thương hiệu hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam nêu trên theo quy định.