11:19 02/02/2015

“Mở cửa là nguyên tắc có đi, có lại!”

Song Hà

Thị trường hàng hoá trong nước sẽ chuyển động thế nào khi Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) dự kiến thành lập trong năm nay?

Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng: "Chúng ta mở cửa từ những năm 1990 nhưng đến nay hàng hoá của Việt Nam vẫn thống lĩnh thị trường trong nước".<br>
Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng: "Chúng ta mở cửa từ những năm 1990 nhưng đến nay hàng hoá của Việt Nam vẫn thống lĩnh thị trường trong nước".<br>
Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng vừa có phản hồi trước những ý kiến lo ngại nguy cơ hàng ngoại tràn vào lấn át hàng “made in Vietnam” khi Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) dự kiến thành lập trong năm nay, cùng đó là hàng ngàn mặt hàng được giảm thuế.

Trong chương trình “Dân hỏi - Bộ trưởng trả lời” tối 1/2, ông Hoàng nói, mở cửa thị trường hàng hóa là nguyên tắc có đi, có lại. Nếu chúng ta muốn xuất khẩu, tăng cường hàng hóa Việt Nam vào một thị trường nhất định mà hiện nay còn đang hạn chế, thì ngược lại, chúng ta cũng phải mở cửa cho hàng hóa từ thị trường đó sang Việt Nam.

Bộ trưởng khẳng định: “Chúng ta có lợi ích rất lớn đối với những mặt hàng như dệt may, da giày, nông, thủy sản và một số sản phẩm công nghiệp chế biến. Khi đàm phán hiệp định thương mại tự do với các đối tác, bao giờ chúng ta cũng đặt ra vấn đề là các nước này phải mở cửa tối đa thị trường của họ đối với những mặt hàng này của Việt Nam. Ngược lại, chúng ta sẽ xem xét, chấp nhận mở cửa thị trường trong nước đối với một số hàng hóa mà các nước đối tác có nhu cầu xuất khẩu sang Việt Nam”.

Tuy nhiên, theo ông, Việt Nam có lộ trình riêng, và đề nghị đối tác chấp nhận lộ trình đó. Nhất là đối với một số hàng hóa đang gọi là “nhạy cảm”, do khả năng sản xuất trong nước còn hạn chế hoặc khả năng cạnh tranh còn chưa cao, cần có khoảng thời gian nhất định đủ để doanh nghiệp hay nhà sản xuất trong nước vươn lên.

Về tiến trình đàm phán các hiệp định thương mại tự do, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cho biết, tại thời điểm hiện nay chúng ta đang đàm phán ký kết 7 hiệp định với các đối tác như: Hiệp định Đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP), Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh Hải quan Nga-Belarus-Kazakhstan (VCUFTA). ..

Ông nói, các nhà đàm phán luôn tuân thủ chỉ đạo của Chính phủ là bảo hộ một cách hợp lý đối với hàng hóa liên quan tới nông nghiệp.

Trước những lo ngại về sự đổ bộ của một số nhà bán lẻ nước ngoài vào thị trường Việt Nam trong thời gian tới sau khi AEC được thành lập, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cho rằng, lĩnh vực bán buôn bán lẻ là một lĩnh vực nhạy cảm, không phải chỉ với Việt Nam mà kể cả với nhiều nước khác trên thế giới.

Đây là một trong những nội dung chúng ta sẽ mở cửa thận trọng, theo lộ trình. Đối với từng loại hàng hóa sẽ có mức độ mở cửa khác nhau, ông nói.

“Chúng ta có thể thấy rằng, dù đã mở cửa từ những năm 90 của thế kỷ trước đối với hàng hóa của ASEAN, nhưng hàng hóa của doanh nghiệp Việt Nam vẫn đang thống lĩnh thị trường. Điều đó khẳng định chúng ta không e ngại việc mở cửa thị trường với Cộng đồng Kinh tế ASEAN nếu chúng ta có bản lĩnh, có bước đi thận trọng, có chủ trương chính sách phù hợp và quan tâm bảo hộ hợp lý sản xuất trong nước, bảo hộ quyền lợi chính đáng của người sản xuất”, Bộ trưởng lập luận.