22:22 20/12/2016

Một doanh nghiệp muốn bán 300.000 tấn bụi lò thép cho Trung Quốc

Kiều Châu

Công ty TNHH Kim Phúc Hà có văn bản số 40 gửi Bộ Công Thương đề nghị được xuất khẩu 300.000 tấn bụi lò thép

Bụi lò thép sinh ra trong quá trình luyện thép và rất độc hại nếu không được xử lý.
Bụi lò thép sinh ra trong quá trình luyện thép và rất độc hại nếu không được xử lý.
Công ty TNHH Kim Phúc Hà có văn bản số 40 gửi Bộ Công Thương đề nghị được xuất khẩu 300.000 tấn bụi lò thép.

Cụ thể, Công ty Kim Phúc Hà cho rằng, bụi lò thép là chất thải được tạo ra trong quá trình sản xuất thép ở Việt Nam chưa được tái chế. Hiện bụi lò thép được các nhà máy ở Việt Nam thu gom, đóng bao và lưu trữ trong các nhà kho không đảm bảo quy định về quản lý chất thải nguy hại với số lượng ngày một tăng mà chưa có phương án xử lý hoặc tái chế.

Hơn nữa, trong một thời gian ngắn sắp tới các nhà máy thép này sẽ không còn chỗ để chứa lượng bụi lò phát sinh. Trong khi, ở Việt Nam hiện nay, chưa có đơn vị nào đủ năng lực xử lý loại chất thải này.

Công ty cho biết đã nghiên cứu thị trường và ký hợp đồng xuất khẩu với Công ty Hữu hạn Thương mại Phú Bang thành phố Cảng Phòng Thành (Trung Quốc). Đây là đơn vị có nhà máy nhiều năm kinh nghiệm trong việc xử lý bụi lò đã được các cơ quan chức năng Trung Quốc cấp phép.

Do đó, công ty đề nghị Bộ Công Thương cho phép xuất khẩu bụi lò thép sang Trung Quốc với số lượng khoảng 300.000 tấn.

Thông tư 36/2015 của Bộ Tài nguyên và Môi trường về quản lý chất thải nguy hại, bụi thép là chất thải nguy hại phải quản lý, kiểm soát nghiêm ngặt. Bụi lò luyện thép gồm các kim loại độc hại như kẽm, chì, crom…có đặc điểm dễ hoà toan, thẩm thấu. Tuy nhiên, trong bụi lò thép có chứa kẽm nếu được xử lý sẽ cung cấp nguyên liệu để sản xuất trong công nghiệp cao su, gốm sứ, lốp xe hơi...

Hiện nay hầu hết các nhà sản xuất thép ở Việt Nam sử dụng công nghệ nấu phế liệu trong các lò hồ quang điện và ngành thép chưa thể phát triển bền vững về môi trường bởi bụi được tạo ra từ các lò hồ quang này không được tái chế.