13:40 20/09/2016

Mục tiêu 0,9 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu bia rượu Việt Nam vào 2035

Bạch Dương

Quy hoạch phát triển ngành bia, rượu, nước giải khát Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035

Ngành bia và nước giải khát được định hướng phát triển, còn rượu thì giữ nguyên sản lượng.
Ngành bia và nước giải khát được định hướng phát triển, còn rượu thì giữ nguyên sản lượng.
Bộ Công Thương vừa phê duyệt quy hoạch phát triển ngành bia, rượu, nước giải khát Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035.

Theo quy hoạch này, đến năm 2020, cả nước sẽ sản xuất khoảng 4,1 tỷ lít bia, 350 triệu lít rượu, 6,8 triệu lít nước giải khát. Kim ngạch xuất khẩu đạt 450 triệu USD.

Đến năm 2025, quy mô sản xuất bia sẽ tăng lên 4,6 tỷ lít, rượu giữ ổn định ở mức 350 triệu lít. Kim ngạch xuất khẩu đạt 600 triệu USD.

Năm 2035, sản lượng bia sản xuất trong nước sẽ tăng lên 5,5 tỷ lít, rượu là 350 triệu lít. Kim ngạch xuất khẩu đạt 900 triệu USD.

Giá trị sản xuất ngành đến năm 2020 được đặt mục tiêu đạt 90.500 tỷ đồng, năm 2025 là 113.540 tỷ đồng và đạt 167.920 tỷ đồng vào năm 2035.

Tốc độ tăng trưởng của ngành trong giai đoạn 2016 - 2020 dự kiến đạt 5,8%, giai đoạn 2021 - 2025 đạt 4,6% và giai đoạn 2026 -2035 đạt 4,0% một năm.

Đối với ngành bia, Bộ Công Thương xác định sẽ đầu tư đổi mới thiết bị, công nghệ hiện đại để nâng cao chất lượng, liên kết sáp nhập để tạo ra các doanh nghiệp lớn. Đồng thời, khuyến khích sản xuất bia không cồn và các dòng bia cao cấp với giá cạnh tranh, đẩy mạnh xuất khẩu. Xây dựng một số thương hiệu bia mang tầm quốc gia.

Quy hoạch cũng nhấn mạnh không khuyến khích đầu tư với các nhà máy quy mô dưới 50 triệu lít/năm.

Đối với ngành công nghiệp rượu, chú trọng các sản phẩm chất lượng cao, đảm bảo an toàn thực phẩm, xây dựng thương hiệu rượu quốc gia, từng bước thay thế nhập khẩu.

Với ngành nước giải khát, Bộ Công Thương khuyến khích đầu tư sản xuất nước giải khát với quy mô lớn, công nghệ hiện đại, đặc biệt nước trái cây bổ dưỡng.

Quy hoạch xác định vùng trọng điểm sản xuất bia sẽ tập trung ở đồng bằng sông Hồng, Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung và Đông Nam Bộ.

Còn sản xuất rượu thì tập trung chủ yếu ở đồng bằng sông Hồng, Đông Nam Bộ và đồng bằng sông Cửu Long.

Sản xuất nước giải khát được định hướng quy hoạch ở Đông Nam Bộ, đồng bằng sông Hồng, Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung.

Tổng nhu cầu đầu tư vốn cho toàn ngành giai đoạn 2016 - 2020 được dự tính là 27.325 tỷ đồng, trong đó chủ yếu là nhu cầu phát triển ngành bia. Giai đoạn 2021 - 2025, toàn ngành cần 28.752 tỷ đồng phát triển nhưng vốn giai đoạn này lại được định hướng chuyển dịch sang phát triển ngành nước giải khát.

Dự tính, vốn đầu tư được huy động chủ yếu từ các doanh nghiệp, vốn vay ngân hàng, vốn từ phát hành cổ phiếu của doanh ghiệp, vốn đầu tư tư nhân và vốn đầu tư trực tiếp của nước ngoài.