08:11 02/10/2017

Ngành điều Việt: Không thay đổi dứt khoát là thua

Kiều Linh

Dù giá trị xuất khẩu lên tới 3 tỷ USD nhưng ngành điều Việt Nam đang đứng trước nhiều mối đe doạ

Hội nghị phát triển ngành điều bền vững gắn với chuỗi giá trị toàn cầu diễn ra cuối tuần qua.
Hội nghị phát triển ngành điều bền vững gắn với chuỗi giá trị toàn cầu diễn ra cuối tuần qua.
Phát biểu tại Hội nghị phát triển ngành điều bền vững gắn với chuỗi giá trị toàn cầu diễn ra cuối tuần qua, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Nguyễn Xuân Cường cho hay, dù xuất khẩu lên tới 3 tỷ USD nhưng ngành điều Việt Nam đang đứng trước nguy cơ đe doạ.

Mất cân đối vô lý


Dẫn chứng số liệu từ Tổng cục Thống kê, ông Nguyễn Hồng Sơn, Cục trưởng Cục Trồng trọt, cho hay, sau 28 năm (1988-2016) tham gia xuất khẩu, ngành điều Việt Nam không ngừng phát triển lớn mạnh, chiếm lĩnh được thị trường thế giới. Từ năm 2006 đến nay, Việt Nam trở thành quốc gia xuất khẩu nhân điều lớn nhất thế giới.

Tuy nhiên, ngành điều đang đối diện với nhiều thách thức, khó khăn. Diện tích điều của Việt Nam giảm liên tục trong 8 năm từ 2007 đến năm 2015, và từ năm 2016 có dấu hiệu phục hồi.

Về năng suất, từ năm 2008 đến năm 2013, năng suất điều của chúng ta luôn duy trì ở mức thấp dưới 10 tạ/ha. Kể từ năm 2014 khi cây điều được quan tâm, thâm canh, đã đưa năng suất lên 12 tạ/ha. Tuy nhiên, năm 2016 do hạn hán và năm 2017 do dịch bệnh đã keo năng suất xuống còn 7,55 tạ/ha.

Về sản lượng, năm 2016 đạt 303.984 tấn, giảm 48.000 tấn so với năm 2015. Năm 2017 là 214.363 tấn, giảm 94.906 tấn so với năm 2016.

Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến năng suất giảm. Theo phân tích của ông Sơn, thứ nhất là do thời tiết, mùa khô cuối năm 2016 và đầu năm 2017 đã xuất hiện cơn mưa trái mùa trùng vào thời điểm cây ra hoa, thụ phấn, đã làm ảnh hưởng đên thu phân và đậu trái cây.

Bên cạnh đó, sản xuất điều phân tán, trình độ thâm canh chưa cao, diện tích điều già cỗi cần tái canh chiếm tỷ lệ lớn. Cơ cấu giống điều chưa phù hợp cũng là một trong những lý do khiến năng suất, sản lượng điều giảm.

Thừa nhận thực tế trên, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nói dù xuất khẩu lên tới 3 tỷ USD nhưng ngành điều Việt Nam đang đứng trước nguy cơ đe doạ.

Cụ thể, liên tục có dự báo trong những năm tới nhu cầu tiêu dùng điều sẽ tăng 6-8%, nhưng nguồn cung không đáp ứng được, dự báo chỉ tăng 3,5%.

“Sự mất cân đối là vô lý. 10 năm gần đây, diện tích điều liên tục đi xuống, năng suất từ 1,1 tấn/ha có thời điểm giảm còn 0,75 tấn/ha, quy mô lớn mà chỉ tự chủ được trên 30%. Phải chăng cây điều, ngành điều không còn hấp dẫn, hay chúng ta không biết làm cho ngành điều hấp dẫn?”, Bộ trưởng đặt câu hỏi và nhấn mạnh rằng, vấn đề mất cân đối này gắn với bức tranh biến đổi khí hậu và nếu không có tổ chức tốt, không có sự vào cuộc từ Chính phủ, doanh nhân, người dân thì ngành điều sẽ đi xuống.

Trong khi đó, chuyên gia phân tích thị trường ngành điều Lê Văn Liên cho rằng, doanh thu xuất khẩu là 3 tỷ USD nhưng con số giá trị gia tăng mang về rất ít. “Việt Nam muốn thành thủ phủ của ngành điều thì phải có chính sách rõ ràng hơn từ cơ quan quản lý và sự quyết tâm thực thi hơn nữa”, ông Liên bình luận.

Không thay đổi dứt khoát là thua


Cũng tại hội thảo, nhiều chuyên gia, doanh nghiệp đã bàn và đưa ra các giải pháp cho ngành điều Việt Nam.

Tổng giám đốc Tập đoàn PAN, ông Nguyễn Khắc Hải cho rằng, để tháo gỡ khó khăn, tồn tại của ngành điều, quan trọng nhất là câu chuyện đầu vào nguyên liệu và đầu ra sản phẩm.

Đối với đầu vào nguyên liệu, theo ông Hải, để chủ động được đầu vào cần phải phát triển theo hình thức là tái canh. Theo đó, phải tìm ra phương thức tái canh làm sao người nông dân, các mắt xích khác cùng tham gia vào tái canh.

Ví dụ, tổng diện tích điều Bình Phước 180.000 ha, 80% được trồng từ hạt, không qua chọn giống, năng suất thấp. Tỷ lệ cây già cỗi chiếm 30%, tương đương 60.000 ha. Chi phí tái canh cho 1ha điều năm đầu tiên rơi vào 30 triệu đồng, năm sau đắt hơn. Trong 3-4 năm đầu, sẽ không có thu nhập từ tái canh.

Tuy nhiên, nếu người nông dân tái canh thì có khả năng hoàn vốn là sau 1 năm, năng suất tăng lên 2,4 tấn/ha, thu nhập tăng gấp đôi, từ 35 triệu đồng lên đến 76,4 triệu đồng, đạt khoảng 900 tiệu đồng/năm.

“Hiệu quả kinh tế này đủ lớn để thuyết phục người nông dân tái canh”, ông Hải nhấn mạnh.

Theo Tổng giám đốc Tập đoàn PAN, chương trình tái canh cần thực hiện theo phương án "vết dầu loang, cuốn chiếu". Với 30% diện tích nguyên liệu điều già cỗi, tái canh sẽ thực hiện từ những cây này, và làm cuốn chiếu dần dần, cứ như vậy tái canh toàn bộ cả nước trong 20 năm.

Tuy nhiên, để thực hiện tái canh, cần nguồn vốn, nhân lực từ xã hội. Cụ thể, một doanh nghiệp tham gia thì khó, nhưng nếu có được đồng tâm từ doanh nghiệp khác, mắt xích khác, cụ thể là người nông dân, Chính phủ, World Bank thì tìm được nguồn tài trợ trang trải chi phí tái canh ban đầu.

Còn theo ông Nguyễn Duy Hưng, Chủ tịch PAN Group, để tái canh thành công chúng ta cần nhất là phải đưa khoa học kỹ thuật vào sản xuất cây giống trên cơ sở nền tảng cây điều Việt Nam hiện tại được đánh giá có chất lượng tốt nhất thế giới và kỹ thuật thuỷ lợi vào tưới tiêu. Cùng với nguồn tài chính, kỹ thuật cây giống, kỹ thuật tưới, bón phân triển khai trên vùng đất có sẵn nguồn nhân lực tại chỗ của nước ta kết hợp với việc làm chủ thị trường tiêu thụ và tham gia thị trường hàng hoá thế giới sẽ mang lại tương lai ngành điều Việt Nam.

"Đây chính là bước đi cần thiết để chúng ta phát triển bền vững ngành điều Việt Nam, để không chỉ chiến thắng khi cạnh tranh trong ngành điều mà còn có thể cạnh tranh với các ngành hạt khác trên thế giới", ông Hưng cho biết.

Cũng nói về giải pháp, ông Nguyễn Văn Thanh - Chủ tịch Hiệp hội điều Việt Nam (Vinacas) cũng kiến nghị thêm về việc xây dựng vùng nguyên liệu và đặc biệt là quan tâm hơn đến chế biến sâu sản phẩm.

"Bộ trưởng nói 5-10 năm tới kim ngạch xuất khẩu lên tới 5 tỷ USD, năm nay 3,2-3,5 tỷ USD nên mục tiêu không có gì là khó. Nhưng có điều ở siêu thị mình nhập về bán 20 USD trong khi xuất khẩu chỉ hơn 10 USD. Không chế biến sâu thì dứt khoát là thua", ông Thanh khẳng định.