08:38 02/02/2016

Nhà đầu tư mất niềm tin, giá dầu sụt 6%

Đan Nguyên

Tình hình tài chính của nhiều nước xuất khẩu dầu lớn đã trở nên cực kỳ khó khăn

Chừng nào mà các nhà xuất khẩu dầu hàng đầu của thế giới chưa chịu hợp tác, không có yếu tố nào giúp đẩy tăng được giá dầu - Ảnh: IranDaily.
Chừng nào mà các nhà xuất khẩu dầu hàng đầu của thế giới chưa chịu hợp tác, không có yếu tố nào giúp đẩy tăng được giá dầu - Ảnh: IranDaily.
Phiên giao dịch ngày thứ Hai, dầu đã đánh mất phần lớn thành quả tăng giá trong tuần trước, khi nhà đầu tư không còn hy vọng gì nhiều vào việc các nước xuất khẩu dầu hàng đầu của thế giới sẽ giảm sản lượng, theo tin từ Wall Street Journal.

Ngoài ra, nhà đầu tư cũng không cho rằng nhu cầu dầu của châu Á sẽ có thể tăng mạnh bù lại được cho sự suy giảm về nhu cầu dầu của một số nền kinh tế lớn trên thế giới.

Trong tuần trước, đã có lúc giá dầu chạm mức cao nhất trong 3 tuần, bởi kỳ vọng chính phủ các nước lớn sẽ đưa ra nhiều hơn các gói kích thích kinh tế, và khả năng Nga với Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) sẽ hợp tác để giảm sản lượng.

Tuy nhiên từ đó đến nay, liên tiếp nhiều lãnh đạo cấp cao chính phủ các nước OPEC đã tuyên bố không chịu giảm sản lượng. Số liệu mới công bố cho thấy sản lượng dầu của Mỹ vẫn duy trì ở mức cao còn sản xuất Trung Quốc tiếp tục đi xuống. 

Theo nhiều chuyên gia phân tích lâu năm trên thị trường dầu, về căn bản, các yếu tố đã kéo giá dầu giảm trong suốt 19 tháng qua không có gì thay đổi.

Thị trường New York, giá dầu thô ngọt nhẹ WTI giao tháng 3 giảm 2 USD tương đương 6% xuống mức 31,62 USD/thùng, đây là mức hạ sâu nhất của giá dầu tính từ ngày 6/1.

Giá dầu Brent cùng kỳ hạn trên thị trường London trong khi đó giảm khoảng 1,75 USD/thùng tương đương 4,9% xuống 34,24 USD/thùng.

Trong tuần trước, Iran tuyên bố nước này sẽ không giảm sản lượng cho đến khi xuất khẩu được 1,5 triệu thùng dầu/ngày từ mức 1,1 triệu thùng dầu/ngày hiện nay.

Từ nay đến cuối năm, dự kiến Iran sẽ xuất thêm 300 nghìn thùng/ngày, như vậy có nghĩa là ít nhất cho đến hết năm nay, không thể hy vọng vào khả năng Iran giảm sản lượng. 

Ông Olivier Jakob, chuyên gia phân tích về thị trường năng lượng tại quỹ Petromatrix ở Thụy Sỹ, khẳng định chừng nào mà các nhà xuất khẩu dầu lớn của thế giới chưa chịu hợp tác, không có yếu tố nào giúp đẩy tăng được giá dầu. 

Các chuyên gia thuộc Goldman Sachs trong khi đó khẳng định rằng tình trạng bất hợp tác trong giảm sản lượng dầu sẽ vẫn tiếp diễn và yếu tố đó sẽ khiến giá dầu duy trì ở mức từ 20 USD đến 40 USD/thùng ít nhất cho đến nửa sau của năm nay

Cuối ngày thứ Sáu tuần trước, chính phủ Mỹ công bố sản lượng dầu tại Mỹ tháng 11 vẫn tăng 1,3% so với 1 năm trước, đạt mức 9,3 triệu thùng/ngày.

Tình hình tài chính của nhiều nước xuất khẩu dầu lớn của thế giới như Nigeria hay Azerbaijan đã trở nên cực kỳ khó khăn, hai nước này đã phải tìm đến Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) để xin hỗ trợ tài chính bởi nguồn thu chính phủ của họ phụ thuộc quá nhiều vào dầu, giá dầu giảm sâu làm ngân sách hụt thu nghiêm trọng.