14:49 13/12/2016

“Phát triển bền vững chính là đầu tư vào hiệu quả kinh doanh”

Thùy Linh

Theo ông Nguyễn Khoa Mỹ, Giám đốc Truyền thông và Đối ngoại Coca-Cola Việt Nam, doanh nghiệp phát triển bền vững bên cạnh lợi ích kinh doanh còn cần biết hòa mình vào quyền lợi của cộng đồng

Coca-Cola tập trung phát triển bền vững ở 3 lĩnh vực: sản xuất kinh doanh, phát triển nguồn nhân lực và các chương trình xã hội.
Coca-Cola tập trung phát triển bền vững ở 3 lĩnh vực: sản xuất kinh doanh, phát triển nguồn nhân lực và các chương trình xã hội.
Đó là nhận định của ông Nguyễn Khoa Mỹ, Giám đốc Truyền thông và Đối ngoại Coca-Cola Việt Nam. Theo ông Mỹ, doanh nghiệp phát triển bền vững bên cạnh lợi ích kinh doanh còn cần biết hòa mình vào quyền lợi của cộng đồng.

Gần đây các doanh nghiệp được khuyến khích theo đuổi chiến lược phát triển bền vững, vậy nên hiểu phát triển bền vững như thế nào và liệu có mâu thuẫn trong việc cân bằng mục tiêu kinh doanh và yêu cầu về giá trị xã hội?

Nền tảng cốt lõi của một chiến lược phát triển bền vững thực sự là thông hiểu nhu cầu, cơ hội thách thức của một xã hội nơi doanh nghiệp đó đang hoạt động. Khi hiểu được nhu cầu này, doanh nghiệp phải tìm ra được điểm chung mà doanh nghiệp có thể tham gia, đóng góp hoặc giải quyết được.

Chính là sự thống nhất về hiểu biết và hành động giữa quyền lợi của doanh nghiệp, cộng đồng và đất nước doanh nghiệp đó đang hoạt động sẽ giúp doanh nghiệp thiết kế được các chương trình phát triển kinh doanh mà vẫn đảm bảo các lợi ích cho cộng đồng.

Sẽ không có sự mâu thuẫn giữa mục tiêu kinh doanh và các giá trị xã hội nếu doanh nghiệp luôn đặt mình vào dòng chảy phát triển chung của cộng đồng. Từ vấn đề sản xuất kinh doanh, chất lượng sản phẩm, nhu cầu địa phương, người tiêu dùng, quyền được phục vụ những sản phẩm tốt nhất, phát triển con người, hay hiểu được thách thức về môi trường, nơi doanh nghiệp đó có trách nhiệm tạo ra những giá trị như bảo vệ môi trường, tiết kiệm năng lượng hoặc hoạt động cộng đồng như kêu gọi mọi người cùng chung tay.

Có thể hiểu đầu tư cho phát triển bền vững là đầu tư cho nền tảng để phát triển kinh doanh của doanh nghiệp phải không thưa ông?

Chúng ta thường nói đến trách nhiệm như một việc bắt buộc nhưng khi nói đến phát triển bền vững, từ trách nhiệm sẽ được giảm nhẹ, tính tự nguyện sẽ nâng cao. Bằng cách phát triển bền vững, doanh nghiệp đã tạo giá trị cho chính doanh nghiệp.

Ví dụ như khi tiết kiệm năng lượng thì sẽ giảm được khí thải vào môi trường, lại tiết kiệm được chi phí sản xuất. Như trong ngành sản xuất nước giải khát, chúng tôi dùng nước rất nhiều, khi chúng tôi cắt giảm sử dụng nước thì sẽ tiết kiệm nước cho cộng đồng và giảm chi phí nguyên liệu, tiết kiệm nhiều hơn, hiệu quả kinh doanh sẽ tốt hơn.

Vì vậy, đầu tư vào phát triển bền vững chính là đầu tư vào hiệu quả kinh doanh, đảm bảo cho tương lai của chính doanh nghiệp đó.

Coca-Cola đã làm gì để vừa đảm bảo mục tiêu kinh doanh, vừa thực hiện đúng cam kết và nhu cầu cộng đồng? Các hoạt động cụ thể trong năm vừa qua là gì thưa ông?

Chúng tôi đặt mục tiêu phát triển bền vững chính là nền tảng của các hoạt động kinh doanh, cốt lõi của mục tiêu kinh doanh. Cụ thể, trong sản xuất kinh doanh, chúng tôi luôn đảm bảo hệ thống sản xuất của chúng tôi từ nhà máy, dây chuyền sản xuất, xử lý chất thải, tiếng ồn, phải đạt được những chuẩn rất cao của tập đoàn. Bên cạnh đó, hệ thống cũng phải đáp ứng được yêu cầu của nước sở tại về pháp lý, quy định an toàn thực phẩm.

Về sản phẩm, chúng tôi có quan niệm thực tiễn là làm gì cũng để phục vụ khách hàng, người tiêu dùng của mình. Sản phẩm phải là cốt lõi, đáp ứng được yêu cầu chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm cũng như nhu cầu ngày càng đa dạng của người tiêu dùng. 

Bên cạnh đó, nếu có những yêu cầu, khiếu nại của người tiêu dùng, chúng tôi luôn có trách nhiệm hồi đáp. Đáp ứng quyền của người tiêu dùng cũng là cách thể hiện phát triển bền vững trong lĩnh vực kinh doanh.

Chúng tôi đồng thời cũng chú trọng đến nguồn nhân lực trong nước. Tính đến nay, chúng tôi có 2.500 nhân viên, hơn 99% là người Việt Nam và mỗi năm chúng tôi vẫn đang đầu tư 1,4 triệu USD để tuyển dụng và phát triển nguồn nhân lực này.

Coca-Cola cũng xây dựng các chương trình nâng cao năng lực cho doanh nghiệp vừa và nhỏ trong nước, kết nối với các thành viên để tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận với kinh nghiệm, công nghệ để phát triển kinh doanh trong khuôn khổ của họ.

Bên cạnh đó, chúng tôi có những chương trình xây dựng trung tâm hỗ trợ cộng đồng, cung cấp dịch vụ cơ bản cho người dân ở khu vực khó khăn như cung cấp nước sạch miễn phí, chăm sóc sức khỏe, có nơi để học nghề, nâng cao kiến thức, sân chơi thể thao, internet…

Với 100 cái tên vừa được công bố chắc chắn là không đủ để phản ánh hết tình hình các công ty phát triển bền vững hiện nay tại Việt Nam? Ông có kỳ vọng gì trong tương lai tới đây cho mô hình doanh nghiệp xã hội tại Việt Nam?

Một điều đáng mừng khi Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đưa ra hệ thống đánh giá chỉ số phát triển bền vững của doanh nghiệp, họ đã chọn được 100 doanh nghiệp hoạt động phát triển bền vững tích cực tại Việt Nam.

Mặc dù doanh nghiệp trong khối FDI đóng góp vai trò quan trọng vào tỉ trọng nền kinh tế, nhưng doanh nghiệp trong nước vẫn là nền tảng phát triển kinh tế.  Các doanh nghiệp trong nước đang trỗi dậy mạnh mẽ trong hoạt động phát triển bền vững. Đó là dấu hiệu đáng mừng khi doanh nghiệp trong nước có sự đầu tư, quan tâm lớn đến việc này.

Dù là 100 hay 1.000 doanh nghiệp thì đó chưa phải là con số chúng ta quan tâm, quan trọng hơn đó là nguồn cảm hứng cho rất nhiều doanh nghiệp khác noi theo, xem đó là công thức mới để tồn tại, phát triển và tạo ra giá trị cho chính bản thân mình, cho xã hội.