08:29 21/09/2017

Sắp diễn ra hội nghị ngành mía đường lớn nhất từ trước tới nay

Thu thủy

Hội nghị tổng kết 22 năm đầu tư, phát triển ngành mía đường Việt Nam sẽ được tổ chức tại Thanh Hoá vào ngày 27-28/9 tới đây

Tính đến năm 2016, cả nước có 44 nhà máy đường phân bổ khắp từ Bắc đến 
Nam. Diện tích mía nguyên liệu đạt 284.000 ha chiếm 5% diện tích đất 
nông nghiệp cả nước.
Tính đến năm 2016, cả nước có 44 nhà máy đường phân bổ khắp từ Bắc đến Nam. Diện tích mía nguyên liệu đạt 284.000 ha chiếm 5% diện tích đất nông nghiệp cả nước.
Hội nghị tổng kết 22 năm đầu tư, phát triển ngành mía đường Việt Nam sẽ được tổ chức tại Thanh Hoá vào ngày 27-28/9 tới đây.

Với tính chất là sự kiện tầm cỡ nhất của ngành mía đường, đây sẽ là cơ hội để những người tâm huyết với ngành có cơ hội ngồi lại với nhau để nhìn lại chặng đường suốt 22 năm qua cũng như tìm ra giải pháp phát triển ngành mía đường Việt Nam trong thời gian tới.

Hội nghị sẽ có sự tham gia của hàng trăm  đại biểu từ Trung ương đến địa phương, trong và ngoài nước cùng nhiều lãnh đạo của các công ty mía đường hàng đầu Việt Nam. Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường sẽ chủ trì hội nghị, cùng tham dự có ông Cao Đức Phát - Phó trưởng Ban thường trực Ban Kinh tế Trung ương.

Đơn vị tổ chức cho chuỗi các hoạt động ngành mía đường này là Công ty Cổ phần Mía đường Lam Sơn và Hiệp hội Mía đường Việt Nam.

Theo Ban tổ chức, mục đích của hội nghị đó là tổng kết 22 năm đầu tư, phát triển ngành mía đường Việt Nam với chương trình “1 triệu tấn tường”, đồng thời tôn vinh các doanh nghiệp, cá nhân tiêu biểu đóng góp cho sự thành công của chương trình và sự phát triển của ngành mía đường, phương hướng phát triển ngành trong giai đoạn tới.

Trong khuôn khổ Hội nghị, Ban tổ chức cũng tổ chức hội thảo Quốc tế “Đổi mới công nghiệp mía đường chính sách - công nghệ - kinh tế - sinh thái phát triển bền vững tầm nhìn 2025 - 2030”.

Ban tổ chức cho rằng Hội thảo mía đường sẽ là nơi trao đổi, thảo luận kiến thức, chia sẻ kinh nghiệm trong và ngoài nước trong xây dựng chuỗi giá trị mía đường, nhằm đề ra các giải pháp cho phát triển ngành mía đường Việt Nam thời kỳ hội nhập sâu rộng.
 
Trong thời gian diễn ra hội nghị - hội thảo, Ban tổ chức cũng cho triển khai công tác Triển lãm tổng kết mía đường toàn quốc. Đây là cơ hội để các doanh nghiệp trong và ngoài ngành giới thiệu các mặt hàng tiềm năng của mình cũng như quảng bá thương hiệu rộng rãi ra bạn bè Quốc tế; hứa hẹn sẽ đem lại không gian và màu sắc đa dạng cho sự kiện này.
 
Hội nghị sẽ diễn ra trong 3 ngày từ 27 -29/9 tại Khách sạn FLC - Sầm Sơn và khu Nông nghiệp Công nghệ cao thuộc Tập đoàn Mía đường Lam Sơn - Thanh Hoá với nhiều họat động đa dạng liên quan tới chuyên ngành mía đường. Lịch trình cụ thể bao gồm:

Ngày thứ nhất: Hội nghị thường niên của ngành mía đường - Là một sự kiện truyền thống đặc biệt của ngành mía đường Việt Nam trong năm nay do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì phối hợp với Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, Hiệp hội Mía Đường Việt Nam và Công ty Cổ phần mía đường Lam Sơn đứng ra tổ chức.

Ngày thứ hai: Hội nghị tổng kết 22 năm đầu tư, phát triển ngành mía đường Việt Nam và hội thảo: “Đổi mới công nghiệp mía đường chính sách - công nghệ - kinh tế - sinh thái phát triển bền vững tầm nhìn 2025 - 2030”.

Ngày thứ ba: Các đại biểu sẽ thăm mô hình ứng dụng sản xuất giống, mô hình thâm canh mía và canh tác nông nghiệp công nghệ cao; trình diễn các thiết bị cơ giới hóa mía đường; tham quan nhà máy sản xuất mía đường và các sản phẩm từ mía đường.

Với sự kì vọng của Ban tổ chức, đây sẽ là ngày hội, quy tụ của các nhà máy mía đường trên cả nước.

Ngành đường Việt Nam vẫn còn non trẻ và đang ở giai đoạn đầu của quá trình phát triển. Tính đến năm 2016, cả nước có 44 nhà máy đường phân bổ khắp từ Bắc đến Nam. Diện tích mía nguyên liệu đạt 284.000 ha chiếm 5% diện tích đất nông nghiệp cả nước.

Ngành sản xuất được 1.237.300 tấn đường, với giá đường bán lẻ bình quân cả nước khoảng 20.000 đồng/kg thì doanh thu toàn ngành đạt 24.800 tỷ đồng, chiếm 0,53% GDP cả nước.

So với ngành đường thế giới, Việt Nam hiện nay đứng thứ 14 về diện tích trồng mía và sản lượng đường. Quy mô sản xuất còn khá nhỏ, diện tích và sản lượng đường chiếm tỷ trọng lần lượt là 1,16% và 0,85% toàn cầu. Quy mô sản xuất ngành mía đường của Việt Nam chỉ bằng 16% quy mô của Thái Lan.

Rủi ro lớn nhất của ngành sắp tới đến từ hội nhập kinh tế với khu vực ASEAN. Ngành phải cạnh tranh trực tiếp với đường Thái Lan, nước xuất khẩu đường lớn thứ 2 thế giới với giá thành sản xuất đường thấp hơn 31% so với Việt Nam. Các công ty trong ngành đang phải nỗ lực đổi mới, phấn đấu theo định hướng phát triển của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để đạt được khả năng cạnh tranh vào giai đoạn 2020-2030…

Một trong những nhà tài trợ của sự kiện là Công ty Mía đường Lam Sơn. Theo báo cáo tài chính, niên độ 2016 -2017, công ty đạt doanh thu thuần 2.024 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 123,2 tỷ đồng, tăng 19,88 % so với cùng kỳ. Lãi cơ bản mỗi cổ phiếu lên tới 1.477 đồng. Cổ tức dự kiến chi trả 12%.