Thận trọng bỏ thầu 250.000 tấn gạo tại Philippines
Giá mời thầu sát với thị trường nên doanh nghiệp khó có lãi
Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương cho biết, ngày 25/7/2017, Cơ quan Lương thực quốc gia Philippines (NFA) sẽ mở thầu quốc tế nhập khẩu 250.000 tấn gạo trắng 25% tấm.
Đấu thầu lần này được mở cho tất cả các nhà thầu quan tâm, cả trong và ngoài nước, đáp ứng tiêu chuẩn về tư cách tham dự thầu theo quy định của NFA. Việt Nam có 9 công ty đăng ký tham gia đợt đấu thầu lần này.
Trước đó, ngày 6/7/2017, NFA đã công bố Thư mời thầu số 3/2017, thông báo sẽ tổ chức đấu thầu và kêu gọi các công ty kinh doanh xuất khẩu gạo có đủ tiêu chuẩn nộp hồ sơ dự thầu.
Điểm mới trong chính sách đấu thầu
Ông Huỳnh Thế Năng, Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam
(VFA), Tổng giám đốc Tổng công ty lương thực Miền Nam (Vinafood 2) cho biết,
Philippines có những thay đổi lớn trong chính sách mở thầu lần nhập khẩu gạo
này.
Thứ nhất, họ mở thầu dạng Chính phủ - tư nhân (G2P). So với
trước, lần đấu thầu này NFA đưa ra những điều kiện khó khăn hơn nhiều và vào
ngày 13/7 vừa qua, tất cả doanh nghiệp có ý định tham gia thầu phải sang
Philippines nghe công bố các điều kiện dự thầu.
Thứ hai, trước đây NFA không công khai giá trần nên doanh
nghiệp dự thầu có thể bỏ trên hoặc dưới giá trần, nhưng lần này họ công khai
giá trần nên doanh nghiệp có thuận lợi là không thể bỏ vượt song cái khó nhất lại
chính là vấn đề giá cả. Đối với doanh nghiệp có sẵn hàng trong kho dự thầu sẽ
có lời, còn doanh nghiệp chuẩn bị đi đấu thầu mới mua vào sẽ không thể làm được,
vì so giá thị trường hiện nay với giá NFA cho trong gói thầu sẽ không có lãi.
“Tính đến ngày 13/7/2017, đã có 9 đơn vị đăng ký chính thức
với VFA. Tuy nhiên, họ có được tham gia đấu thầu hay không còn tuỳ thuộc vào sự
xét duyệt của NFA. Nếu xét thấy hồ sơ dự thầu không đạt, NFA sẽ thông báo cho
biết bị loại”, ông Năng chia sẻ.
Theo ông Phạm Thái Bình, Giám đốc Công ty cổ phần nông nghiệp công nghệ cao Trung An, là một trong 9 doanh nghiệp đăng ký dự thầu, NFA công bố giá đấu thầu bằng đồng Peso nếu quy đổi USD tương đương 448 USD/tấn và phải vận chuyển hàng đến kho của họ trong bán kính 30km, nên doanh nghiệp phải cộng thêm chi phí này khoảng hơn 10 USD/tấn.
Hiện nay, trên thị trường nội địa loại gạo
25% tấm các doanh nghiệp đang giao dịch từ 395 - 400 USD/tấn, Trung An đăng ký
bán gạo 15% tấm giá 405 USD/tấn (FOB). Như vậy, giá NFA đưa ra rất sát với giá
thị trường nên khó có lãi.
Thận trọng khi bỏ thầu
Vào ngày 13/7, NFA đã cho biết sẽ áp giá trần 451,08 USD/tấn (giá quy đổi từ đồng Pesos) đối với 250.000 tấn gạo 25% tấm đang tìm mua của các nhà cung cấp quốc tế, cùng với các điều kiện giao hàng được NFA quy định. Theo đó, thời gian giao hàng trong 2 tháng 8 và 9/2017.
Gạo sẽ được giao tận
kho do NFA chỉ định. NFA cũng xác định, trong đợt mở thầu lần này có 11 doanh
nghiệp tiềm năng của các nước: Việt Nam, Thái Lan và Singapore.
Theo các chuyên gia, nhằm tranh thủ cơ hội thị trường, thúc đẩy xuất khẩu và tăng cường tiêu thụ thóc, gạo hàng hóa với giá có lợi cho người nông dân trồng lúa và bảo đảm hiệu quả xuất khẩu, các thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo có nhu cầu và đáp ứng đầy đủ các tiêu chí, điều kiện của NFA nên tham gia đấu thầu.
Song với tình hình tồn kho hiện nay và Việt Nam đang phải giao
hàng cho Bangladesh, Malaysia... nếu trúng thêm thầu 250.000 tấn gạo 25% tấm
Philippines sẽ là khó khăn cho nguồn cung gạo của Việt Nam đang trong tình trạng
tồn kho thấp. Trong khi vụ hè thu 2017, năng suất lúa không có, vậy nếu doanh
nghiệp trúng thầu mà trong kho không có sẵn gạo sẽ là thách thức không nhỏ
trong việc huy động nguồn gạo.
“Doanh nghiệp cần tính toán thật kỹ để khi trúng thầu có đủ
hàng giao không bị bể hợp đồng. Trúng thầu rồi cũng cần tính toán, cân đong lại
lượng tồn kho của doanh nghiệp, vì NFA quy định thời gian giao hàng quá gấp
gáp, chỉ trong 2 tháng 8 và 9/2017, trong khi mùa vụ của Việt Nam cũng
tương đối khó khăn”, ông Bình nêu quan điểm.
Ông Huỳnh Thế Năng cho biết thêm, trong lần dự thầu này,
Vinafood 1 hay Vinafood 2 sẽ tham gia đấu thầu với tư cách cá nhân của công ty
chứ không đại diện Việt Nam như các lần trước đó. Do vậy, nếu trúng thầu sẽ
không có nghĩa vụ phân bố chỉ tiêu cho các doanh nghiệp hội viên VFA. “Tôi thấy
xu thế này là phù hợp với cơ chế thị trường”, ông Năng khẳng định.
Ngoài 250.000 tấn gạo 25% tấm đang gọi thầu, NFA cũng
sẽ cấp phép cho các doanh nghiệp tư nhân nhập khẩu 805.000 tấn gạo theo hạn ngạch
hàng năm và sẽ nhận hàng vào khoảng tháng 12 đến tháng 2 năm 2018.
Đến ngày 13/7/2017 là hạn chót đăng ký, VFA đã nhận được đăng ký dự thầu của 9 doanh nghiệp. Đó là: Tổng công ty lương thực Miền Bắc (Vinafood 1); Tổng công ty lương thực Miền Nam (Vinafood 2); Công ty cổ phần Gentraco; Công ty cổ phần Quốc tế Gia; Công ty TNHH đầu tư – sản xuất – thương mại – dịch vụ Phan Minh; Công ty cổ phần Hiệp Lợi; Công ty cổ phần xuất nhập khẩu Thuận Minh; Công ty cổ phần nông nghiệp công nghệ cao Trung An; Công ty cổ phần Tập đoàn Tân Long.