15:02 02/02/2015

Trên 20.000 tỷ đồng cho “cây tỷ đô” tại Tây Nguyên

Nhật Hà

Him Lam và LienVietPostBank bắt đầu triển khai kế hoạch đầu tư hơn 20.000 tỷ đồng trồng mắc-ca

Ngay tại Thanh Hóa, hiện đã có hộ dân chủ động được với vườn giống cây mắc ca - Ảnh: Quang Thái.<br>
Ngay tại Thanh Hóa, hiện đã có hộ dân chủ động được với vườn giống cây mắc ca - Ảnh: Quang Thái.<br>
Ngày 7/2 tới, tại Đà Lạt, Ban Chỉ đạo Tây Nguyên phối hợp cùng Ban Kinh tế Trung ương, UBND tỉnh Lâm Đồng sẽ tổ chức một hội thảo chuyên đề về phát triển cây mắc-ca (Macadamia) tại khu vực Tây Nguyên.

Tại hội thảo này, Công ty Cổ phần Him Lam và Ngân hàng Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank) sẽ giới thiệu lộ trình triển khai đề án đầu tư phát triển cây mắc-ca, dự kiến quy mô trên 20.000 tỷ đồng trong 5 năm đầu.

Đây là đề án đầu tiên hướng đến việc phát triển quy mô lớn loại cây này tại Việt Nam, được tổ chức từ tạo giống, quy hoạch vùng nguyên liệu và cho vay vốn, cũng như trực tiếp tham gia với các hộ nông dân trên địa bàn.

Đầu năm 2014, LienVietPostBank và Him Lam đã xây dựng đề án với trù tính quy mô khoảng 10.000 tỷ đồng, trong đó trực tiếp tham gia trồng 5.000 ha. Qua quá trình khảo sát, quy mô này được mở rộng dự kiến từ 20.000 - 25.000 tỷ đồng, bắt đầu triển khai cụ thể từ 2015.

Lãnh đạo LienVietPostBank cho biết, quy mô vốn dự kiến trên nằm trong khả năng của ngân hàng, được tính toán phù hợp với lượng giải ngân rải đều khoảng 5 năm, theo triển vọng phát triển được từ 250 - 500 nghìn ha tại các tỉnh Tây Nguyên (khu vực có điều kiện khí hậu và thổ nhưỡng phù hợp).

Hai đối tác trên quyết định triển khai sau khi khảo sát thực tế thành công của một số mô hình thí điểm tại Việt Nam.

“Đã có các mô hình triển khai thành công. Thế nhưng cây mắc-ca tại Việt Nam hiện vẫn phát triển tự phát và manh mún. Chúng tôi mong muốn đây sẽ là loại cây công nghiệp chiến lược và chủ lực, thu hút bà con nông dân tham gia và thực sự tạo được đổi thay tại Tây Nguyên, biến Tây Nguyên thành thủ phủ mắc-ca của khu vực Đông Nam Á”, một lãnh đạo LienVietPostBank nói.

Hội thảo sắp tới cũng sẽ tập trung vào mục tiêu trên, với sự tham gia của đại diện các ban ngành liên quan, các chuyên gia cùng doanh nghiệp trong và ngoài nước.

Mắc ca hiện là loại cây trồng có giá trị kinh tế cao, được mệnh danh là “cây tỷ đô” tại Việt Nam, với nhu cầu lớn trên thị trường thế giới, đã được trồng thử trong nước từ hơn một thập kỷ trước. Các đánh giá cho thấy Tây Nguyên và Tây Bắc là hai khu vực thích hợp nhất để trồng mắc-ca tại Việt Nam, đặc biệt là Tây Nguyên.

Việc trồng thử nghiệm đã đem lại những kết quả khả quan, với năng suất khá cao. Tính đến tháng 9/2014, diện tích trồng mắc-ca tại Kon Tum là 50 ha, Gia Lai 80 ha, Đắc Lắc 500 ha, Đắc Nông 600 ha và Lâm Đồng 400 ha.