13:57 20/11/2016

Việt Nam đã chi hơn 40 tỷ USD nhập khẩu hàng từ Trung Quốc

Bạch Dương

Chỉ tính riêng hai thị trường Trung Quốc và Hàn Quốc đã chiếm tới 47% tổng giá trị kim ngạch nhập khẩu của cả nước

5 thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam 10 tháng năm 2016 (Đơn vị: tỷ USD).<br>
5 thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam 10 tháng năm 2016 (Đơn vị: tỷ USD).<br>
Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, tính hết tháng 10, tổng kim ngạch nhập khẩu cả nước đạt khoảng 140,6 tỷ USD. Trong đó, Trung Quốc và Hàn Quốc là hai nước có lượng hàng xuất khẩu vào Việt Nam lớn nhất, đạt lần lượt là 40,24 tỷ USD và 26 tỷ USD.

Chỉ tính riêng hai thị trường này chiếm tới 47% tổng giá trị kim ngạch nhập khẩu của cả nước.

Báo cáo cũng cho thấy, so với cùng kỳ 2015, kim ngạch nhập khẩu từ Trung Quốc giảm 576 triệu USD, tương đương giảm khoảng 1,4%, trong khi kim ngạch nhập khẩu từ Hàn Quốc tăng 2,7 tỷ USD, tương đương tăng 11,8% so với cùng kỳ.

8 nhóm hàng nhập khẩu từ Trung Quốc đạt trị giá từ 1 tỷ USD là máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng đạt đạt 7,35 tỷ USD; tiếp theo là điện thoại các loại và linh kiện đạt 4,9 tỷ USD; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đạt 4,76 tỷ USD…

Năm 2015, nhập khẩu từ Trung Quốc vượt 49,3 tỷ USD, chiếm 28,8% tổng kim ngạch cả nước. Từ năm 2011-2015, Trung Quốc giữ vị trí dẫn đầu và tăng nhanh trong vai trò bán hàng hoá cho người Việt. Vì vậy, việc suy giảm nhẹ của việc nhập khẩu từ Trung Quốc cho thấy bắt đầu có xu hướng chuyển dịch, đa dạng hoá thị trường nhập khẩu của Việt Nam.

Tuy nhiên, khi dịp Tết cận kề, các loại hàng hoá Trung Quốc nhập vào Việt Nam dự báo sẽ gia tăng cùng với cam kết xoá bỏ thuế với hàng nghìn mặt hàng trong Hiệp định thương mại hàng hoá ASEAN + Trung Quốc kể từ tháng 9/2016.

Trong khi đó, Hàn Quốc cung cấp 5 nhóm hàng đạt trị giá từ 1 tỷ USD trở lên. Đứng số 1 là máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đạt 7,3 tỷ USD; tiếp theo là máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng đạt 4,5 tỷ USD; điện thoại 3 tỷ USD…

Đặc biệt, nhờ thuế xăng về 10% mà lượng nhập khẩu xăng từ Hàn Quốc tăng mạnh lên tới 1,34 triệu lít, trị giá 633 triệu USD.

Kim ngạch nhập khẩu từ Nhật Bản đạt 12,2 tỷ USD, đứng thứ 3 trong cơ cấu thị trường nhập khẩu của Việt Nam.

Thái Lan xuất khẩu được khoảng 6,9 tỷ USD hàng hoá sang Việt Nam tiêu thụ trong 10 tháng năm nay. Trong đó, ở mặt hàng ôtô nguyên chiếc và rau quả, hàng điện gia dụng Thái Lan dẫn đầu trong các nước xuất khẩu vào Việt Nam.

Người Thái đã thế chân Trung Quốc trở thành quán quân với lượng tiêu thụ 26.790 xe nguyên chiếc trị giá 499 triệu USD và linh kiện ôtô đạt gần 556 triệu USD. Riêng mặt hàng rau quả, giá trị nhập khẩu vượt 327 triệu USD. Ngoài ra, còn nhập xăng dầu, máy tính linh kiện điện tử, hoá chất, chất dẻo...

10 tháng năm nay, Việt Nam cũng chi tới 6,86 tỷ USD nhập hàng hoá từ Mỹ.

Báo cáo của Bộ Công Thương về tình hình nhập khẩu trong ngành công nghiệp năm nay cho rằng, lượng nhập khẩu hàng hoá đã đảm bảo nhu cầu tiêu dùng trong nước và sản xuất hàng xuất khẩu.

Nhập khẩu giảm chủ yếu là do giá dầu thô giảm dẫn đến giá nhập khẩu của nhiều nguyên liệu đầu vào như xăng dầu, phân bón, sắt thép, chất dẻo nguyên liệu… giảm. Nhập khẩu hàng hóa xu hướng tăng dần trong các tháng cuối năm, nhập khẩu của khối doanh nghiệp trong nước tăng cao hơn khối các doanh nghiệp có vốn nước ngoài là dấu hiệu khả quan cho thấy sự hồi phục của doanh nghiệp trong nước.