12:10 27/10/2016

Việt Nam nhập than vượt xa dự báo

Bạch Dương

Vì sao than được nhập khẩu ồ ạt trong bối cảnh ngành than vẫn tồn kho hơn 11 triệu tấn?

Nhập khẩu than tăng đột biến trong năm ngay, vượt ngoài mọi dự báo.
Nhập khẩu than tăng đột biến trong năm ngay, vượt ngoài mọi dự báo.
Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, trong 8 tháng đầu năm 2016, Việt Nam đã nhập khẩu hơn 9,7 triệu tấn than, với giá trị kim ngạch hơn 600 triệu USD.

Tính ra, mỗi tháng Việt Nam đã phải nhập 1,2 triệu tấn, với giá trị tương ứng khoảng hơn 75 triệu USD một tháng. Trước đó, cả năm 2015, Việt Nam chỉ phải nhập 500.000 tấn than về phục vụ nhu cầu trong nước.

Mức giá nhập khẩu trung bình than từ Nga là khoảng 63 USD/tấn, từ Indonesia là 44 USD/ tấn. Cao nhất là giá than nhập khẩu từ Trung Quốc với 71 USD/tấn, gấp gần hai lần so với than nhập từ Indonesia.

Việc phát triển các nhà máy nhiệt điện, xi măng, phân đạm… đã khiến nhu cầu tiêu thụ than trong nước tăng đột biến. Hồi đầu năm nay, theo dự báo của Bộ Công Thương, Việt Nam sẽ phải nhập hơn 3,1 triệu tấn than trong năm 2016. Tuy nhiên, chỉ trong vòng 8 tháng, nhập khẩu than đã vượt hơn 3 lần so với dự báo.

Trước làn sóng nhập khẩu than chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, ngày 24/10 vừa qua, Cổng thông tin điện tử Chính phủ đã tổ chức buổi toạ đàm trực tuyến về việc nhập khẩu than tăng đột biến, trong bối cảnh than trong nước hiện vẫn tồn kho hơn 11 triệu tấn.

Ông Nguyễn Khắc Thọ, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Năng lượng (Bộ Công Thương) cho biết, nhập khẩu than tăng mạnh ở Việt Nam do hai nguyên nhân chính.

Về khách quan, trong bối cảnh kinh tế thế giới suy giảm, giá dầu thô lao dốc, giá than cũng giảm mạnh. Giá than thế giới ở mức rất thấp, rẻ hơn nhiều so với than khai thác trong nước.

Trong khi đó, việc khai thác than trong nước lại gặp nhiều khó khăn do chi phí sản xuất cao, than nằm dưới độ sâu hơn, thuế tài nguyên tăng...

“Trước đây than chủ yếu khai thác lộ thiên chỉ cần bóc khoảng 3-4 m3 đất là có 1 tấn than, nay phải bóc tới 11-12 m3, gấp 4 lần. Độ sâu của hầm lò khai thác cộng với thuế phí 7-10% trong khi các nước khu vực như Indonesia là 3-7%, Trung Quốc 1-4%, do đó than khai thác trong nước không thể cạnh tranh về giá so với nhập khẩu”, ông Thọ nói, và cho biết sản lượng khai thác than của TKV năm nay đã giảm khoảng 2-3 triệu tấn.

Ông cũng nhấn mạnh, không có chuyện nhập khẩu than bị “vỡ trận”. Đầu năm 2016, Bộ Công Thương dự báo mức nhập khẩu cả năm 2016 là 3,1 triệu tấn, nhưng đó chỉ là chỉ tiêu giao cho TKV nhập khẩu để đảm bảo an ninh năng lượng, cung cấp đủ nguyên liệu cho nhiệt điện, xi măng.

Số nhập khẩu này chưa tính đến nhu cầu than của các nhà máy nhiệt điện BOT, Formosa, các hộ tiêu thụ khác như luyện kim, phân bón…

Trong khi đó, Phó tổng giám đốc TKV Nguyễn Văn Biên khẳng định việc Việt Nam từng xuất khẩu nhưng nay quay trở lại nhập khẩu than là chuyện bình thường và cũng theo quy luật của nhiều nước khác như Hàn Quốc, Nhật Bản.

Ông giải thích, than được nhập khẩu ồ ạt trong bối cảnh ngành than vẫn tồn kho hơn 11 triệu tấn là do giá than đầu năm nay giảm đáy, khiến lượng nhập tăng đột biến, đặc biệt than cho các hộ xi măng tăng gấp đôi so với cùng kỳ. Than nhập khẩu có chất bốc cao nên được dùng để phối trộn với than trong nước có chất bốc thấp.

Theo dự báo quy hoạch phát triển ngành than Việt Nam đến năm 2020, có xét triển vọng đến năm 2030, Chính phủ cũng xác định, nhu cầu than trong nước ngày càng tăng cao. Năm 2015 là 56,2 triệu tấn, năm 2020 là 112,3 triệu tấn, năm 2025 là 145,5 triệu tấn, và cho đến năm 2030, Việt Nam có thể tiêu thụ tới 220,3 triệu tấn than.