10:20 12/04/2018

Thiếu than, ngành xi măng cần tính toán lại

Lan Ca

Than sản xuất trong nước không đủ để cung cấp cho ngành công nghiệp xi măng trong giai đoạn đến năm 2030

Năm 2018, ngành xi măng được dự báo sẽ tiếp tục phải đối mặt với cung vượt cầu khoảng 25 - 30%.
Năm 2018, ngành xi măng được dự báo sẽ tiếp tục phải đối mặt với cung vượt cầu khoảng 25 - 30%.

Trong văn bản cho ý kiến về khả năng đáp ứng nhu cầu than và điện cho ngành công nghiệp xi măng đến năm 2035 theo đề nghị của Bộ Xây dựng mới đây, Bộ Công Thương cho biết quy hoạch ngành xi măng đang vượt quá khả năng đáp ứng của ngành than.

Về khả năng đáp ứng nhu cầu than sản xuất trong nước cho ngành công nghiệp xi măng, Bộ Công Thương cho biết, theo Quy hoạch phát triển ngành than Việt Nam đến năm 2020, có xét triển vọng đến năm 2030 tại Quyết định số 403/QĐ-TTg (Quy hoạch 403), thì nhu cầu than cho sản xuất xi măng được tính toán trên cơ sở quy hoạch tổng thể phát triển vật liệu xây dựng Việt Nam đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1469.

Theo đó, dự kiến nhu cầu than cho sản xuất xi măng khoảng 6,2 triệu tấn vào năm 2020, khoảng 6,7 triệu tấn vào năm 2025 và 6,9 triệu tấn vào năm 2020; ngành than có thể đáp ứng các chủng loại than sản xuất trong nước phù hợp cho sản xuất xi măng khoảng 2,4 triệu tấn tha vào năm 2020, khoảng 5,3 triệu tấn than vào năm 2025 và khoảng 5,9 triệu tấn than vào năm 2030.

Như vậy, than sản xuất trong nước không đủ để cung cấp cho ngành công nghiệp xi măng trong giai đoạn đến năm 2030.

Ngoài ra, tại công văn số 61/BXD-VLXD ngày 10/1/2018 của Bộ Xây dựng, dự báo nhu cầu than của ngành công nghiệp xi măng cao hơn số liệu dự báo trong Quy hoạch 403. Vì vậy, Bộ Công Thương đã đề nghị Bộ Xây dựng xem xét, tính toán dự báo lại nhu cầu than cho xi măng trong quá trình lập quy hoạch phát triển công nghiệp xi măng Việt Nam đến năm 2025 và định hướng đến năm 2035.

Về khả năng đáp ứng nhu cầu điện cho ngành công nghiệp xi măng, Bộ Công Thương cho biết, với dự báo nhu cầu phụ tải điện và định hướng phát triển nguồn điện, lưới điện tại quyết định số 428 về điều chỉnh Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2011-2020 có xét đến năm 2030 (được Chính phủ phê duyệt năm 2016), thì hệ thống điện quốc gia về cơ bản sẽ đảm bảo đáp ứng nhu cầu điện cho phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2030, trong đó bao gồm cả ngành công nghiệp xi măng.

Bộ Công Thương cho biết, việc xác định khả năng đáp ứng nhu cầu than, điện cho ngành công nghiệp xi măng và nhu cầu của các ngành kinh tế khác sau năm 2030 sẽ được tính toán cụ thể trong Quy hoạch phát triển ngành than Việt Nam và Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia trong giai đoạn tiếp theo.

Năm 2017, lượng sản xuất của toàn ngành xi măng ước đạt khoảng 65 triệu tấn, tăng 4 triệu tấn, tăng khoảng 7% so với cùng kì năm trước. Trong đó, sản lượng tiêu thụ xi măng cả năm đạt 62 triệu tấn, tăng 3% so với năm 2016. Năm 2018, ngành xi măng được dự báo sẽ tiếp tục phải đối mặt với cung vượt cầu khoảng 25 - 30%.

Theo Hiệp hội Xi măng Việt Nam (VNCA), nếu tính các dự án đang tiến hành đầu tư, dự kiến hoàn thành trong năm 2018, những nhà máy xi măng đầu tư cải tiến kỹ thuật, công nghệ nâng cao năng lực sản xuất thì thực tế đến năm 2020 tổng công suất có thể lên đến 120 - 130 triệu tấn.

Dự báo tiêu thụ xi măng trong nước đến năm 2020 vào khoảng 82 triệu tấn, nghĩa là sẽ dư thừa 36 - 47 triệu tấn. Số liệu của VNCA cũng ghi nhận, dự báo nhu cầu tiêu thụ trong nước từ nay đến năm 2020 mỗi năm tăng khoảng 5 - 6 triệu tấn và đến năm 2020 nhu cầu tiêu thụ xi măng trong nước khoảng 80 - 82 triệu tấn.