12:27 05/09/2018

Thoát ly lệ thuộc vào tín dụng, dầu thô để tăng trưởng vững vàng

Nguyên Mẫn

Chính phủ không còn coi mục tiêu khai khoáng và tăng trưởng tín dụng làm động lực

Khai thác dầu thô năm 2017 giảm xuống còn 15 triệu tấn và dự kiến tiếp tục giảm trong năm nay.
Khai thác dầu thô năm 2017 giảm xuống còn 15 triệu tấn và dự kiến tiếp tục giảm trong năm nay.

Nghị trường Quốc hội hơn một năm thường xuyên nổ ra tranh luận gay gắt về tăng trưởng có phụ thuộc vào dầu thô, tín dụng không? Chính phủ tiếp tục khẳng định đã thoát ly các yếu tố này để đảm bảo được đà tăng khá vững, theo đúng hướng tái cơ cấu toàn nền kinh tế.

Chứng minh cho khẳng định này, Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng dẫn ra con số, nếu như năm 2016 khai thác hơn 18 triệu tấn dầu thô, năm 2017 đã giảm xuống 15 triệu tấn và dự kiến năm nay sẽ tiếp tục giảm.

Về tín dụng, tăng trưởng tín dụng năm 2017 đạt khoảng 18%, còn năm nay sẽ đạt dưới 18%, thấp hơn năm ngoái. Tăng trưởng tín dụng giảm nhưng vẫn đảm bảo cung cấp vốn tín dụng cho sản xuất kinh doanh, ổn định lãi suất cho vay, đảm bảo tăng trưởng bền vững. 

Phân tích thêm về tín dụng, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho hay, tín dụng là chỉ số điều hành vĩ mô để thực hiện mục tiêu chính sách tiền tệ, vì vậy để có được chỉ số tín dụng hợp lý đối với nền kinh tế là yêu cầu rất cao đối với điều hành của Ngân hàng Nhà nước. Muốn thực hiện được yêu cầu này, vừa phải tạo điều kiện hỗ trợ vốn cho nền kinh tế, vừa phải thực hiện được mục tiêu kiểm soát lạm phát.

Tại thời điểm hiện nay, theo ông Tú, cũng đã hết 8 tháng và tăng trưởng nền kinh tế nhìn chung rất khả quan, kiểm soát lạm phát mặc dù đang dưới 4% nhưng vẫn cần cảnh giác từ nay đến cuối năm.

Chính vì vậy việc điều hành chỉ số tăng trưởng tín dụng, đặt ra ngay từ đầu năm là khoảng 17%, thì cũng có thể thấp hơn hoặc cao hơn tùy theo nhu cầu thực tế của nền kinh tế. Đến 30/8, tăng trưởng tín dụng đạt 8,5%, mới được 50% so với chỉ tiêu 17%. Như vậy, còn lại 8,5% nữa cho 4 tháng cuối năm.

Với tính toán hiện nay, 17% có thể là một chỉ tiêu phù hợp để vừa đạt được tăng trưởng cũng như bảo đảm được kiểm soát lạm phát. Còn nhu cầu vốn cho nền kinh tế, kể cả hiện nay cũng như tiếp theo, đặc biệt với những lĩnh vực ưu tiên, ưu đãi, đều đã có kế hoạch và các ngân hàng thương mại vẫn luôn đảm bảo thanh khoản cho những ưu tiên này.

Trong khi đó, bức tranh chung của tình hình kinh tế - xã hội tháng 8 và 8 tháng tiếp tục xu hướng tích cực, với những điểm nổi bật như kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát tiếp tục được kiểm soát. CPI tháng 8/2018 tăng nhẹ 0,45% so với tháng trước; CPI bình quân 8 tháng năm 2018 tăng 3,52% so với bình quân cùng kỳ năm 2017, bám sát mục tiêu dưới 4% đã đề ra. Xuất khẩu tiếp tục tăng trưởng cao, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu ước tính tăng 14,5% so với cùng kỳ năm 2017. Bên cạnh đó, các ngành kinh tế chủ chốt tiếp tục phát triển mạnh.

Đáng chú ý là tăng trưởng xuất khẩu của khu vực kinh tế trong nước rất tốt, đạt 17,4% cao hơn khu vực FDI là 14,13%, và điều rất mừng khi tăng trưởng xuất khẩu không còn quá phụ thuộc vào khu vực FDI.

Cùng với đó, giải ngân vốn đầu tư phát triển được cải thiện rõ nét, 8 tháng ước bằng khoảng 44,2% dự toán (cùng kỳ 2017 đạt 38,4% dự toán). Niềm tin của nhà đầu tư ngoại với nền kinh tế Việt Nam vẫn được khẳng định trong bối cảnh có những biến động của tình hình thế giới.

Tính đến 20/8, tổng vốn đầu tư đăng ký có yếu tố nước ngoài (bao gồm FDI) ước đạt 24,35 tỷ USD, số vốn FDI giải ngân ước tăng 9,2% so với cùng kỳ. Không chỉ các nhà đầu tư ngoại mà niềm tin kinh doanh của các nhà đầu tư trong nước cũng tăng cao. Thể hiện qua con số cả nước có trên 87.000 DN đăng ký thành lập mới, tăng 2,4% về số DN và tăng 6,9% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2017...

Thực tế này cũng đã được các đại biểu Quốc hội ghi nhận. Như ý kiến của đại biểu Lại Xuân Môn (Bạc Liêu), "lần đầu tiên Chính phủ không coi mục tiêu khai khoáng và tăng trưởng tín dụng làm động lực. Định kỳ Chính phủ đã xây dựng các kịch bản cho Chính phủ và các bộ, ngành thực hiện, tổ chức các tổ công tác làm việc hết sức tích cực. Thủ tướng thường xuyên đối thoại để tháo gỡ khó khăn, cắt giảm thủ tục hành chính, đặc biệt là các bộ rất quan tâm đến vấn đề này. Miễn giảm thuế, lãi suất tín dụng giảm trong năm 2 lần...".

Đại biểu Nguyễn Hữu Cầu (Nghệ An) cũng thấy, "động lực cho tăng trưởng thời gian qua chính là sự điều hành sát, đúng, sự lăn lộn rất quyết liệt của Chính phủ. Sự xuất hiện của Thủ tướng Chính phủ ngay trong bão lũ lịch sử ở khắp mọi miền của đất nước tạo nên ấn tượng mạnh, gây xúc động trong đồng bào và cử tri cả nước".

Đánh giá kinh tế trong nước giai đoạn 2016-2018, Chính phủ cho rằng đã được cải thiện, đạt mức tăng trưởng khá, cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch theo hướng tích cực, tăng trưởng xuất khẩu và FDI đạt mức kỷ lục. Kinh tế vĩ mô ổn định tiếp tục tạo môi trường và động lực cho phát triển kinh tế-xã hội. Còn tính chung cả giai đoạn 2016-2020, dự kiến tăng trưởng GDP bình quân có thể đạt 6,71% (mục tiêu từ 6,5-7%).