16:43 09/03/2018

“Thời điểm thú vị cho ứng dụng Blockchain tại Việt Nam”

Kim Oanh

Việt Nam là quốc gia gần đây được nhiều sự chú ý về tiềm năng phát triển để trở thành cái nôi lớn của công nghệ Blockchain

Với công nghệ Blockchain, Việt Nam hiện đang đứng trước những tiềm năng để trở thành người tiên phong và trở thành tâm điểm tiếp theo của thế giới.
Với công nghệ Blockchain, Việt Nam hiện đang đứng trước những tiềm năng để trở thành người tiên phong và trở thành tâm điểm tiếp theo của thế giới.

Trong 2 ngày 7-8/3/2018, Hội nghị quốc tế đầu tiên về công nghệ Blockchain và tiềm năng phát triển ở Việt Nam diễn ra tại Tp.HCM. Sự kiện được tổ chức bởi Công ty TNHH Infinity Blockchain Labs (IBL) nhà tiên phong trong lĩnh vực nghiên cứu và phát triển công nghệ Blockchain tại Việt Nam và đồng tổ chức bởi LINA.REVIEW - Nền tảng đánh giá đầu tiên trên thế giới dựa trên blockchain.

"Thời điểm thú vị cho ứng dụng Blockchain tại Việt Nam"

Hiện các ngân hàng Malaysia đang thí điểm các hệ thống thanh toán bằng công nghệ Blockchain, Ấn Độ thiết lập quyền sử dụng đất sử dụng công nghệ Blockchain… Có thể thấy, Đông Nam Á đang nhanh chóng trở thành một khu vực khát khao được áp dụng, khám phá và đổi mới với công nghệ Blockchain.

Và Việt Nam chính là quốc gia gần đây được nhiều sự chú ý về tiềm năng phát triển để trở thành cái nôi lớn của công nghệ Blockchain.

Tại buổi khai mạc Hội nghị gày 7/3/2018, ông Tạ Việt Dũng, Cục trưởng Cục ứng dụng và Phát triển công nghệ, Bộ Khoa học và Công nghệ, đánh giá, Việt Nam đang nắm giữ vị trí tốt, với 40% trong tổng số 92 triệu dân có độ tuổi dưới 25 tuổi; lực lượng lao động trẻ hấp dẫn doanh nghiệp, nhà đầu tư trong tương lai ( 54 triệu dân đã và đang được đào tạo và có việc làm ổn định).

Cơ hội tuyệt hơn khi đứng ở góc độ công nghệ, Việt Nam duy trì tỷ lệ sử dụng smartphone ở mức cao, đạt mức 26%. Hơn nữa, số lượng kỹ sư giỏi tại Việt Nam cũng tăng mạnh với khoảng 40.000 sinh viên tốt nghiệp công nghệ thông tin mỗi năm.

Ông cho rằng, Blockchain sẽ là một trong những công nghệ quan trọng trong cách mạng công nghệ lần 4, bởi đòi hỏi ngày càng cao mức độ tin tưởng và bảo mật quyền riêng tư.

Mặc dù được biết đến rộng rãi trong ứng dụng công nghệ này vào tiền điện tử nhưng Blockchain có thể ứng dụng xa hơn, mạnh mẽ hơn, không chỉ đơn thuần trong lĩnh vực tài chính mà còn về chăm sóc sức khỏe, chuỗi cung ứng, bảo hiểm…

Mitchell Phạm, đồng sáng lập Smart Links Swiss và LINA.REVIEW cho rằng đây là thời điểm "thú vị" cho việc ứng dụng Blockchain vào Việt Nam vì nhiều lý do. Việt Nam có nhiều nhân tài giỏi toán, giới trẻ thích tìm hiểu công nghệ mới.

Hiện tại Việt Nam là một trong những nền kinh tế có tốc độ phát triển nhanh, đem đến nhiều cơ  hội cho việc ứng dụng các sáng kiến, những cách hoạt động mới trong các ngành để giải quyết nhiều vấn đề.

Việt Nam thuận lợi trong việc thay đổi cái mới nên việc ứng dụng Blockchain sẽ dễ và nhanh hơn. Mặt khác, cộng đồng công nghệ của Blockchain đang phát triển nhanh, có kết nối với bên ngoài tạo cơ hội cho việc đưa ra các giải pháp, sản phẩm Blockchain cho thị trường quốc tế.

Trong năm 2017, trường đại trên cả nước đã bắt đầu cung cấp các khóa học về Blockchain. Những sinh viên tốt nghiệp có năng lực và  những tài năng công nghệ có tầm nhìn xa đang tìm hiểu và khám phá những sự đổi mới mà công nghệ Blockchain mang lại nhằm phục vụ cho ngành công nghệ và dịch vụ đang trên đà phát triển của nước ta.

Có thể nói, với công nghệ Blockchain, Việt Nam hiện đang đứng trước những tiềm năng để trở thành người tiên phong và trở thành tâm điểm tiếp theo của thế giới.

Blockchain đảm bảo minh bạch, an toàn

Công nghệ blockchain dần dần được mọi người biến đến và đang nổi lên từng ngày. Blockchain có thể tạo ra một hệ sinh thái các nhà sáng lập mới, mở ra đa dạng các lựa chọn về tài chính đầu tư và giới thiệu vô số các cơ chế hoạt động khác biệt cho các doanh nghiệp hiện tại.

Blockchain còn cung cấp cho người dùng một hệ thống hồ sơ dữ liệu minh bạch, có thể truy cập và kiểm chứng dễ dàng, việc này rất quan trọng trong việc duy trì tính toàn vẹn và hiệu quả của cơ các cơ quan giám sát như kiểm toán viên hoặc các cơ quan quản lý.

Ông Mitchell Phạm cho biết, Blockchain có thể đem lại sự minh bạch, loại bỏ các chi phí không hiệu quả và không cần thiết, cũng như nâng cao tính bảo mật và trao quyền cho cộng đồng thông qua việc tham gia vào hệ thống.

Ông đưa ra ví dụ cụ thể, ở ngành tài chính, khi áp dụng Blockchain  sẽ tạo minh bạch cho cả hệ thống, trong suốt quá trình làm việc giữa ngân hàng với công ty bảo hiểm, khách hàng... Ngân hàng khi có khách hàng, ứng dụng Blockchain để đưa vào cơ cấu dữ liệu khách hàng thì dữ liệu khách hàng đảm bảo minh bạch và an toàn hơn.

Hay ở ngành y tế,  ứng dụng Blockchain sẽ đưa vào dữ liệu bệnh nhân với tất cả các bệnh, cách điều trị và được lưu lại, tạo ra cơ sở dữ liệu về bệnh nhân một cách chất lượng, an toàn và dễ chia sẻ giữa các bệnh viện.

Tương tự, trong ngành giáo dục, nếu ứng dụng Blockchain, người đi học được lưu tất cả dữ liệu kể từ khi đi học một cách rõ ràng, minh bạch.

Ông cũng chia sẻ LINA.REVIEW không chỉ là một website, là nền tảng đánh giá đầu tiên trên thế giới dựa trên Blockchain. Cụ thể là sử dụng tính bất biến của Blockchain để tạo ra sự minh bạch và tạo điều kiện cho người đánh giá có thể hưởng lợi từ những bài đánh giá chất lượng, cũng như tương tác trực tiếp với người dùng và nhà cung cấp sản phẩm hay dịch vụ mà hoàn toàn không cần thiết lập niềm tin từ trước đó.

Đặc biệt, tất cả mọi người đều có thể tự xây dựng cho mình một hệ thống đánh giá, phát triển cộng đồng riêng và tự điều chỉnh, quản lý hệ thống của mình. Tất cả các hệ thống đánh giá hoạt động trên nền tảng Lina đều sẽ được kết nối với nhau trên phạm vi thế giới.