17:42 05/09/2019

“Thời ông Trump, sức mạnh của OPEC ngày càng sa sút”

Bình Minh

Những dòng tweet của ông Trump tác động đến giá dầu còn mạnh hơn cả chính sách của OPEC

Bộ trưởng Bộ Dầu lửa Saudi Arabia, ông Khalid Al-Falih - Ảnh: Getty/CNBC.
Bộ trưởng Bộ Dầu lửa Saudi Arabia, ông Khalid Al-Falih - Ảnh: Getty/CNBC.

Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) đang chịu sức ép ngày càng lớn trong việc chứng minh năng lực đảo ngược sự sụt giảm của giá dầu - theo đánh giá của chuyên gia Helima Croft thuộc RBC Capital Market.

Năm nay, OPEC đã phải chật vật đỡ giá dầu, trong bối cảnh triển vọng tăng trưởng kinh tế toàn cầu xấu đi vì chiến tranh thương mại kéo dài giữa Mỹ và Trung Quốc.

Tình trạng này đặt ra câu hỏi liệu OPEC có thực sự có ảnh hưởng lớn trên thị trường dầu lửa toàn cầu, nhất là khi giới giao dịch dầu lửa luôn cảnh giác với dòng trạng thái (tweet) tiếp theo của Tổng thống Mỹ Donald Trump trên mạng xã hội Twitter. Mỗi dòng tweet về chính sách thương mại của ông Trump đều có khả năng gây sóng gió trên thị trường tài chính, trong đó có thị trường dầu.

"Dường như việc giảm lượng dầu thừa thực tế trên thị trường còn dễ dàng hơn vượt qua những hoài nghi về hiệu quả chiến lược của OPEC trong thời của ông Trump", bà Croft, trưởng bộ phận chiến lược hàng hóa cơ bản toàn cầu của RBC, nhận định trong một báo cáo được hãng tin CNBC trích dẫn.

"Gánh nặng của OPEC là chứng minh rằng họ vẫn có những công cụ phù hợp để ngăn sự sụt giảm của giá dầu có nguyên nhân không nhỏ từ chính sách của Nhà Trắng", bà Croft nói.

Các thỏa thuận hạn chế nguồn cung dầu của OPEC và sự suy giảm sản lượng dầu ngoài ý muốn ở Iran và Venezuela đã khiến thị phần của OPEC trên thị trường dầu lửa toàn cầu sụt xuống mức thấp nhất trong nhiều năm.

Trái lại, Mỹ đã tăng hơn gấp đôi sản lượng khai thác dầu trong thập kỷ qua, trở thành nước sản xuất dầu lớn nhất thế giới. Cùng với đó, Mỹ cũng xuất khẩu ngày càng nhiều dầu hơn, chiếm thị phần ngày càng lớn trên thị trường dầu thế giới.

Ngành công nghiệp dầu đá phiến của Mỹ đã phát triển với tốc độ nhanh chóng đến nỗi đe dọa lấn át những nỗ lực do OPEC dẫn đầu nhằm ngăn tình trạng thừa cung, thiếu cầu dầu. Trong lúc OPEC và đối tác gồm Nga ra sức hạn chế khai thác dầu, thì dầu đá phiến từ Mỹ vẫn tràn ra thị trường toàn cầu.

Hồi tháng 7, nhà phân tích Christyan Malek, trưởng bộ phận nghiên cứu dầu khí EMEA thuộc ngân hàng JPMorgan Chase nói với CNBC rằng sự suy giảm từ từ của giá dầu trong những năm sắp tới có thể sẽ khiến OPEC phải tìm cách giành lại một phần thị phần dầu lửa đã mất mát vào tay Mỹ.

So với mức đỉnh của năm 2019 thiết lập vào tháng 4, giá dầu Brent hiện đã giảm 20%, còn giá dầu WTI giảm khoảng 17%. Hiện giá dầu Brent giao sau tại thị trường London xấp xỉ 61 USD/thùng, còn giá dầu WTI giao sau tại thị trường New York đứng trên 56 USD/thùng.

1

Công nhân làm việc trên một mở dầu ở Texas, Mỹ - Ảnh: Getty/CNBC.

"Sự thật hiện nay là tâm lý trên thị trường dầu đang bị chi phối bởi môi trường kinh tế vĩ mô yếu và những mối lo về nhu cầu tiêu thụ dầu", nhà phân tích Stephen Brennock thuộc PVM Oil Associates nhận định.

"Vì lý do này, giá dầu Brent sẽ dao động quanh ngưỡng 60 USD/thùng trong những tuần tới", ông Brennock nói.

Vào ngày 12/9, OPEC và đối tác, tức nhóm OPEC+, sẽ họp ở Abu Dhabi để đánh giá kết quả nỗ lực bình ổn thị trường dầu toàn cầu. Cuộc họp này có thể phát đi những tín hiệu quan trọng về việc những nước mạnh nhất trong OPEC sẵn sàng đi xa đến đâu trong việc hỗ trợ giá dầu.

Cuối năm nay, OPEC+ tiếp tục có cuộc họp ở Vienna, Áo để quyết định chính sách cho năm 2020.

"OPEC sẽ tái khẳng định cam kết lập lại cân bằng cho thị trường và giữ cho giá dầu ổn định hơn", báo cáo của RBC Capital Markets nhận định.

"Xa hơn việc tiếp tục hạn chế sản lượng, chúng tôi cho rằng thách thức đối với OPEC là chứng minh rằng khối vẫn có khả năng thay đổi những xung lực tác động lên giá dầu trên một thị trường bị phủ bóng bởi những nỗi lo về chiến tranh thương mại và những dòng tweet của Tổng thống Trump".

Cùng với Nga và một số nước đối tác khác, OPEC thực thi thỏa thuận giảm sản lượng dầu 1,2 triệu thùng/ngày từ đầu năm tới nay. Trước đó, OPEC+ cũng có một đợt hạn chế sản lượng bắt đầu vào tháng 1/2017.