20:37 28/10/2016

17,6 tỷ USD vốn FDI đăng ký vào Việt Nam trong 10 tháng

Bạch Dương

Tính chung trong 10 tháng, tổng vốn đăng ký cấp mới và tăng thêm là 17,6 tỷ USD, giảm 8,7% so với cùng kỳ

Nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 19 lĩnh vực, trong đó lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo thu hút nhiều nhất dòng vốn FDI, với 12,8 tỷ USD, chiếm 72,9% tổng vốn đầu tư đăng ký trong 10 tháng.<br>
Nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 19 lĩnh vực, trong đó lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo thu hút nhiều nhất dòng vốn FDI, với 12,8 tỷ USD, chiếm 72,9% tổng vốn đầu tư đăng ký trong 10 tháng.<br>
Cục Đầu tư nước ngoài - Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa công bố số liệu thu hút vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài (FDI) vào Việt Nam, tính đến ngày 20/10/2016.

Theo đó, trong 10 tháng, cả nước thu hút được gần 12,3 tỷ USD với 2.061 dự án được cấp mới, giảm 1,3% so với cùng kỳ.

Số dự án điều chỉnh vốn là 967, lượng vốn tăng lên đạt 5,3 tỷ USD, giảm 22,1% so với cùng kỳ.

Tính chung trong 10 tháng, tổng vốn đăng ký cấp mới và tăng thêm là 17,6 tỷ USD, giảm 8,7% so với cùng kỳ.

Nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 19 lĩnh vực, trong đó lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo thu hút nhiều nhất dòng vốn FDI, với 12,8 tỷ USD, chiếm 72,9% tổng vốn đầu tư đăng ký trong 10 tháng.

Hoạt động kinh doanh bất động sản đứng thứ hai, với 983 triệu USD. Hoạt động chuyên môn, khoa học công nghệ đứng thứ ba, với 657,6 triệu USD.

Có 65 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư tại Việt Nam. Hàn Quốc dẫn đầu với 5,6 tỷ USD, chiếm 31,9% tổng vốn đầu tư vào Việt Nam.

Nhật Bản đứng vị trí thứ hai với tổng vốn 1,92 tỷ USD, chiếm 10,9% tổng vốn đầu tư đăng ký. Singapore đứng vị trí thứ 3, đạt 1,73 tỷ USD.

Trong 10 tháng, nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 54 tỉnh thành, trong đó Hải Phòng là địa phương thu hút nhiều vốn FDI nhất, với 43 dự án cấp mới và 34 lượt dự án điều chỉnh vốn, tổng số vốn đăng ký cấp mới và tăng thêm là 2,73 tỷ USD, chiếm 15,5% tổng vốn đầu tư.

Hà Nội đứng thứ hai, với tổng vốn đạt 2,03 tỷ USD, chiếm 11,5%. Tiếp theo là Đồng Nai, Bình Dương...

Có thể kể đến một số dự án lớn được cấp phép trong 10 tháng, như:

Dự án LG Display Hải Phòng, tổng vốn đầu tư 1,5 tỷ USD do LG Display (Hàn Quốc) đầu tư với mục tiêu sản xuất và gia công sản phẩm màn hình OLED nhựa cho các thiết bị di động như điện thoại di động, đồng hồ thông minh, máy tính bảng....

Dự án LG Innotek Hải Phòng, tổng vốn 550 triệu USD do LG Innotek (Hàn Quốc) đầu tư với mục tiêu sản xuất mô-đun camera tại Hải Phòng.

Dự án phát triển tổ hợp cảng biển và khu công nghiệp tại khu vực đầm nhà Mạc, thị xã Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh, do Công ty TNHH Tập đoàn quốc tế CDC (Cayman Islands) đầu tư với tổng vốn đầu tư đăng ký 315,46 triệu USD.

Dự án thành phố Amata Long Thành, tổng vốn đầu tư đăng ký 309 triệu USD, do nhà đầu tư Thái Lan đầu tư với mục tiêu đầu tư xây dựng khu đô thị dịch vụ theo quy hoạch tại Đồng Nai.