14:32 23/10/2015

21 từ “chưa” trong báo cáo của Thủ tướng

Châu Minh

Đại biểu Quốc hội đánh giá báo cáo về tình hình kinh tế - xã hội của Thủ tướng trước Quốc hội

Ngày 22/10, Quốc hội họp tại tổ để cho đánh giá về việc thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội, ngân sách Nhà nước trong những năm qua và kế hoạch thực hiện trong 5 năm tới - Ảnh: SGGP.<br>
Ngày 22/10, Quốc hội họp tại tổ để cho đánh giá về việc thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội, ngân sách Nhà nước trong những năm qua và kế hoạch thực hiện trong 5 năm tới - Ảnh: SGGP.<br>
Nhiều đại biểu Quốc hội khen ngợi báo cáo của Thủ tướng trước Quốc hội đã đánh giá thành tựu cũng như nhìn nhận về yếu kém khá đầy đủ, song một số ý kiến cho rằng vẫn còn những khoảng trống.

Đếm được trong báo cáo của Thủ tướng có 21 từ “chưa”, đại biểu Nguyễn Văn Tuyết (Bà Rịa - Vũng Tàu) thấy vẫn cần bổ sung thêm một từ “chưa” nữa, là việc quy trách nhiệm chưa được làm rõ.

Đại biểu Đỗ Ngọc Niễn (Bình Thuận) dẫn chứng bằng kết quả cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước. Trong gần 5 năm qua, kết quả thoái vốn đầu tư ra ngoài ngành, lĩnh vực, ngành, nghề kinh doanh chính của doanh nghiệp Nhà nước chỉ đạt 8.390 tỷ/21.797 tỷ đồng (khoảng 38%).

“Trách nhiệm này thuộc về ai, nhất là khi mà việc cổ phần hóa, đã được Chính phủ cam kết đẩy mạnh thực hiện từ đầu nhiệm kỳ?”, ông Niễn đặt câu hỏi.

Đại biểu Phạm Mạnh Thường (Thái Bình) nhắc lại: “Tại nhiệm kỳ Quốc hội khóa 12, Chính phủ có nhận định nợ công trên 50% là nguy hiểm, giờ lại nói trên 65% mới nguy hiểm thì không biết rút cục là thế nào?”.

Ông Thường cũng nêu lên việc báo cáo lần nào Chính phủ cũng nêu lên hạn chế, như đầu tư còn dàn trải, lãng phí, “nhưng không thấy Chính phủ đề cập đến trách nhiệm”.

“Đây là thời điểm quan trọng vì là năm cuối cùng thực hiện nghị quyết 5 năm (2011-2015) và chuẩn bị Đại hội 12 của Đảng nên các đánh giá là hết sức quan trọng, bởi đó là cơ sở để tiếp tục thực hiện tốt kế hoạch 5 năm tới”, cựu Thống đốc Cao Sỹ Kiêm nhận định.

“Phần khuyết điểm, Chính phủ đã đánh giá khá toàn diện, có phân tích nguyên nhân và chỉ ra địa chỉ”, ông Kiêm nói, “tuy nhiên, vẫn cần phải bổ sung thêm một số từ “chưa” nữa”

Vị cựu Thống đốc - người cũng là đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình - nhắc về “món nợ” nhiệm kỳ qua, Chính phủ đã nói nhiều tới vấn đề thể chế, cải cách, nhưng còn chậm về giải pháp, chưa dứt khoát và toàn diện giữa các ngành, khiến việc thực hiện còn mơ hồ.

“Báo cáo đánh giá khá toàn diện, nhưng thiếu cái nhìn ngang”, đại biểu Dương Trung Quốc nêu ý kiến, “cần nhìn sang các quốc gia khác để thấy chúng ta còn thiếu những “chưa” gì để mà phát triển, nếu không có thể sẽ tụt hậu”.

Theo ông Quốc, “chúng ta chỉ phân tích hôm nay tốt hơn hôm qua, nhưng những con số cũng nói lên nhiều điều. Chẳng hạn, dân số đứng thứ 13 nhưng GDP đứng thứ 45”.

Trong khi đó, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu nhận xét, trong báo cáo, số doanh nghiệp thành lập mới phải so sánh với số ngừng hoạt động.

Báo cáo của Thủ tướng nêu trong 9 tháng năm 2015, số doanh nghiệp thành lập mới tăng 28,5% và vốn đăng ký tăng 31,4% so với cùng kỳ năm 2014.

Thẩm tra báo cáo này, Ủy ban Kinh tế dẫn ra con số năm 2013 có khoảng 60.000 doanh nghiệp ngừng hoạt động, con số này năm 2014 khoảng 67.800 và 9 tháng năm 2015 là 54.566 doanh nghiệp. Như vậy, trong 9 tháng năm 2015, số doanh nghiệp khó khăn tương đương cả năm 2011, cả năm 2012 .

Báo cáo của Thủ tướng nêu khu vực nông nghiệp phát triển khá ổn định, giá trị sản xuất tăng 3,85%/năm.

Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế chỉ ra rằng khu vực nông nghiệp 9 tháng đầu năm chỉ tăng trưởng ở mức 2,08% so với mức tăng 2,94% của cùng kỳ năm 2014, nông nghiệp là ngành đóng góp xuất khẩu lớn và xuất siêu khoảng 10 tỷ USD/năm, nhưng giảm cả về sản lượng và giá trị xuất khẩu.

Trong báo cáo của Thủ tướng, chỉ số năng suất các yếu tố tổng hợp (TFP) giai đoạn 2011-2015 đạt bình quân 28,94%/năm.

Tuy nhiên, trong báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế, con số này ở mức 24-25%. Ủy ban Kinh tế cũng nêu lên các phép so sánh là vào thời điểm năm 2010, yếu tố năng suất tổng hợp vào tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam còn đạt được mức 28- 29%.

Ở một số nước trong khu vực, chỉ tiêu yếu tố năng suất tổng hợp đóng góp tăng trưởng đều ở mức là 35-40%.

Báo cáo Thủ tướng nêu con số năng suất lao động tăng bình quân 3,8%/năm. Còn Ủy ban Kinh tế đưa ra con số, năng suất lao động Việt Nam so với một số nước Đông Nam Á như: Singapore chỉ bằng 1/18, Malaysia bằng 1/6,5, Thái Lan bằng 1/2,7.

Đặc biệt, trong lĩnh vực ngân sách, theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh, người cũng là đại biểu Quốc hội tỉnh Lai Châu, “nếu chỉ nhìn vào các con số kế hoạch thu ngân sách năm 2016, sẽ thấy có vẻ vui”.

“Nhưng đó chỉ là những tính toán mang tính kỹ thuật và trên sổ sách. Số tiền ngân sách Trung ương thực cầm trong tay chỉ có khoảng 45 nghìn tỷ đồng”, ông nói.