19:15 27/10/2011

An toàn, ùn tắc giao thông đã ở “tình trạng khẩn cấp”

Nguyễn Lê

Quy định Quốc hội bỏ phiếu tín nhiệm bộ trưởng không được thực hiện khó có thể giải quyết tai nạn, ùn tắc giao thông

Đại biểu Lê Thị Nga đề nghị ngay từ đầu khóa 13 này, Quốc hội cần tổ chức một cuộc giám sát tối cao về an toàn giao thông.
Đại biểu Lê Thị Nga đề nghị ngay từ đầu khóa 13 này, Quốc hội cần tổ chức một cuộc giám sát tối cao về an toàn giao thông.
Tình hình tai nạn, ùn tắc giao thông đã trở nên quá nghiêm trọng, hậu quả đã tương đương với tiêu chí cần thiết phải ban hành tình trạng khẩn cấp.

Chỉ phát biểu riêng về an toàn giao thông, ý kiến của Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga (Thái Nguyên) là một trong số không nhiều điểm nhấn tại phiên thảo luận sáng 27/10 của Quốc hội.

Chưa thấy ai bị kỷ luật

Một trong số 2 nguyên nhân chủ quan dẫn đến tình hình nói trên được đại biểu Nga nhấn mạnh là ý thức của nhiều người tham gia giao thông quá kém và đã trở thành thói quen cố hữu của một bộ phận không nhỏ người dân.

Muốn nâng cao ý thức của người dân bên cạnh giáo dục thì việc phạt vi phạm là việc rất quan trọng, nhưng cả 2 yếu tố này ở nước ta đều thực hiện không tốt, đại biểu Nga nhận xét.

Nêu thực tế một bộ phận không nhỏ cảnh sát giao thông, thanh tra giao thông nhận tiền mãi lộ hoặc thiếu trách nhiệm bỏ qua vi phạm, đại biểu Nga nêu quan điểm: khi bản thân người đại diện cho nhà nước thực hiện luật không nghiêm thì người dân nhờn pháp luật là hệ quả tất yếu.

Một thực tế nữa cũng được đại biểu Nga chỉ ra là trong 3 khóa gần đây có khoảng trên 150 nghìn người chết vì tai nạn giao thông nhưng hầu như chưa có lãnh đạo nào từ Trung ương đến cơ sở bị kỷ luật vì để xảy ra nhiều tai nạn và Quốc hội cũng chưa miễn nhiệm một bộ trưởng nào vì lý do này.

“Nếu trách nhiệm cá nhân không nghiêm và quy định Quốc hội bỏ phiếu tín nhiệm bộ trưởng không được thực hiện trên thực tế thì khó có thể giải quyết tình trạng này”, bà Nga quan ngại.

Đại biểu Nga cũng đề nghị ngay từ đầu khóa 13 này, Quốc hội cần tổ chức một cuộc giám sát tối cao về an toàn giao thông.

"Chúng tôi khẳng định là Nhà nước ta hoàn toàn có thể có khả năng lập lại trật tự an toàn giao thông, kính mong Quốc hội, Chính phủ tập trung quyết tâm nguồn lực để làm, coi đây là một trong những nhiệm vụ hàng đầu của Chính phủ và Quốc hội khóa 13", bà Nga kết thúc 7 phút phát biểu.

Nói tiền đâu thì vô cùng

Cũng sốt ruột vì ít nước trên thế giới có quy mô dân số gần 90 triệu người mà năm nào cũng hơn 10.000 chết, hơn 10.000 người bị thương là Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Bá Thanh.

Theo đại biểu Thanh thì những cơ sở đào tạo cấp phép lái xe, đào tạo sơ sài nhưng vẫn cấp bằng lái khiến cho nhiều tài xế tay nghề non gây ra không biết bao nhiêu vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng, thế nhưng trong cả nước chưa có cơ sở nào bị đóng cửa.

Ông Thanh cũng đề nghị nên sớm làm đường bộ cao tốc đi từ Hà Nội – TP.HCM. Nêu thực tế đường cao tốc Sài Gòn - Trung Lương mới đưa vào sử dụng đã có nhiều chỗ hư hỏng là vì “quân ta thiết kế, quân ta giám sát, quân ta tự thi công”, đại biểu Thanh cho rằng, nếu thuê công ty tư vấn có uy tín của nước ngoài thiết kế, giám sát và đưa ra đấu thầu Quốc tế, chắc chắn đất nước ta sẽ có một khuôn đường bộ cao tốc Bắc - Nam có chất lượng tốt.

Về băn khoăn tiền đâu mà làm đường cao tốc? ông Thanh đặt câu hỏi thế tiền đâu mà làm đường Hồ Chí Minh nhiều đến thế? Trong khi có đoạn xe không chạy mấy mà cứ mùa mưa đến là sạt lở rồi đổ tiền vào đó.

Rồi tiền đâu mà bố trí trả 17.000 tỷ đồng trong mấy năm vừa rồi để dự định làm đường cứu hộ, cứu nạn cho những vùng hay lũ lụt. Lũ lụt rồi thì còn đường đâu nữa mà đi mà cũng đầu tư, ông Thanh làm cả hội trường rộ lên tiếng cười.

Theo vị đại biểu này, nói tiền đâu thì cũng vô cùng, cứ bỏ tiền ra giải phóng mặt bằng trước đi rồi kêu gọi nước ngoài vào đầu tư và cho họ thu phí, có chính sách tốt họ sẽ vào, ta không mất tiền để đầu tư.

Với vấn đề ùn tắc giao thông ở các thành phố lớn, đại biểu Thanh cho rằng, thay đổi giờ học, giờ làm chỉ là một giải pháp chấp vá mà cũng không mấy khả thi.

Muốn giải quyết căn cơ thì phải kiểm soát chặt chẽ việc nhập cư vào nội thành, không cho xây thêm nhà cao tầng ở khu vực trung tâm, hình thành sớm đô thị vệ tinh để giãn dân ra. Ở nội thành thì giữ lại những cơ quan đầu não chính trị, còn các cơ quan khác, các bệnh viện, trường đại học, ga đường sắt nên chuyển ra ngoài.

Đồng thời làm thêm cầu, làm thêm đường, làm tàu điện ngầm, tàu điện trên cao, một số tuyến vành đai ra vào thành phố phải xây dựng đường bộ hai tầng, rồi phải có bãi đỗ xe ngầm, không cho ô tô đỗ trên vỉa hè, đậu dưới lòng đường, kẻ gạch phân làn xe ô tô đi riêng, xe máy đi riêng, ai vi phạm thì giam xe và phạt nặng.