09:14 10/11/2014

Báo cáo phục vụ lấy phiếu tín nhiệm vẫn “nặng” thành tích

Nguyên Hà

Cuối tuần này, việc lấy phiếu tín nhiệm sẽ lại được thực hiện với các chức danh chủ chốt do Quốc hội bầu và phê chuẩn

<span style="font-family: 'Times New Roman'; font-size: 15px;">Sẽ có 50 vị được lấy phiếu tín nhiệm tại kỳ họp này.</span>
<span style="font-family: 'Times New Roman'; font-size: 15px;">Sẽ có 50 vị được lấy phiếu tín nhiệm tại kỳ họp này.</span>
Với những đề cập khá cụ thể của đại biểu trong các phiên thảo luận từ đầu kỳ họp thứ 8 đến nay, rất có thể “ngôi vị” của cuộc lấy phiếu lần này sẽ có thay đổi.

Theo chương trình kỳ họp thứ 8 đã được Quốc hội thông qua, vào cuối tuần này việc lấy phiếu tín nhiệm sẽ lại được thực hiện với các chức danh chủ chốt do Quốc hội bầu và phê chuẩn.

Công việc đầu tiên sẽ diễn ra vào sáng thứ sáu (14/11), Quốc hội sẽ nghe Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng báo cáo một số vấn đề về việc lấy phiếu tín nhiệm những người thuộc đối tượng Quốc hội lấy phiếu tín nhiệm.

Tiếp đó, Quốc hội biểu quyết danh sách và ngay sau đó các đoàn đại biểu Quốc hội sẽ thảo luận về việc lấy phiếu tín nhiệm.

Đầu phiên họp hôm sau, ngày 15/11,Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc sẽ trình bày báo cáo tổng hợp kết quả thảo luận ở đoàn về việc lấy phiếu tín nhiệm. Sau đó Quốc hội bầu ban kiểm phiếu và tiến hành lấy phiếu đối với từng chức danh.

Việc công bố kết quả kiểm phiếu sẽ diễn ra vào cuối chiều cùng ngày và nghị quyết xác nhận kết quả lấy phiếu tín nhiệm cũng sẽ được Quốc hội thông qua ngay sau đó.

Vẫn cách làm như lần đầu, song ở kỳ họp này sẽ có thêm một vị được bổ sung vào danh sách lấy phiếu.

Đó là Trưởng ban Dân nguyện Nguyễn Đức Hiền, người mới được Quốc hội bầu vào Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại kỳ họp cuối năm 2013.

Sau một năm đảm nhiệm vị trí ủy viên Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, ông Nguyễn Đức Hiền đã đủ điều kiện để được đưa ra lấy phiếu tín nhiệm. Như vậy, sẽ có 50 vị được lấy phiếu tại kỳ họp này.

Tại cuộc họp báo trước kỳ họp, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết báo cáo công tác của những người được lấy phiếu lần này làm theo mẫu rõ ràng hơn cả về hình thức, cấu trúc, quy định số trang trình bày để tránh tình trạng người viết quá dài như một bản báo cáo thành tích của ngành, người lại ghi quá ngắn, khó cho phần đánh giá của đại biểu như ở lần thứ nhất.

Cho biết đã nhận được các báo cáo này từ trước khi kỳ họp khai mạc, một số vị đại biểu nhận xét thông tin tại đây đã đầy đủ hơn, chất lượng báo cáo đồng đều hơn. Tuy nhiên chủ yếu vẫn là kể thành tích còn hạn chế khuyết điểm thì khá mờ nhạt.

Lần lấy phiếu thứ nhất tại Quốc hội diễn ra vào giữa năm 2013 và người có số phiếu "tín nhiệm thấp" cao nhất trong số 47 chức danh được lấy phiếu thuộc về một thành viên Chính phủ.

Dẫu còn nhiều ý kiến trái chiều về cả cách thức tiến hành và nhất là mức đánh giá tín nhiệm, song theo một số vị đại biểu thì kết quả lấy phiếu lần thứ nhất đã có tác động không nhỏ đến chất lượng công tác của một số vị trong diện lấy phiếu.

Giữa hai lần lấy phiếu, có vị bộ trưởng nhận được chất vấn là có nghĩ đến việc từ chức không, nhưng cũng có thành viên Chính phủ khác lại được nhìn nhận là nếu “bộ nào cũng làm được như vậy thì rất hay”.

Với những đề cập khá cụ thể của đại biểu trong các phiên thảo luận từ đầu kỳ họp thứ 8 đến nay, rất có thể “ngôi vị” của cuộc lấy phiếu lần này sẽ có thay đổi.

Sau cuộc lấy phiếu lần hai, Quốc hội sẽ tiến hành sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết 35/2012/QH13 của Quốc hội về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn.

Hướng sửa đổi được Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị là chỉ lấy phiếu tín nhiệm một lần trong mỗi nhiệm kỳ vào kỳ họp thường lệ cuối năm thứ ba và vẫn giữ quy định 3 mức độ tín nhiệm trên phiếu, gồm “tín nhiệm cao”, “tín nhiệm” và “tín nhiệm thấp” như đã từng thực hiện trong lần lấy phiếu thứ nhất.