10:45 10/04/2015

Báo chí Trung ương không được vận động bầu cử?

Nguyễn Lê

Chủ nhiệm Trương Thị Mai hỏi: Cơ quan đại chúng Trung ương không được tham gia vận động bầu cử thì có hợp lý không?

Một trong các hành vi bị cấm khi vận động bầu cử tại điều 65 trong dự thảo luật là không được lạm dụng uy tín, chức vụ, quyền hạn để sử dụng phương tiện thông tin đại chúng trong vận động bầu cử - Ảnh minh họa.
Một trong các hành vi bị cấm khi vận động bầu cử tại điều 65 trong dự thảo luật là không được lạm dụng uy tín, chức vụ, quyền hạn để sử dụng phương tiện thông tin đại chúng trong vận động bầu cử - Ảnh minh họa.
Cơ quan đại chúng Trung ương không được tham gia vận động bầu cử thì có hợp lý không? Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Trương Thị Mai đặt câu hỏi khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự thảo Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu hội đồng nhân dân, chiều 9/4.

Băn khoăn của bà Mai xuất phát từ quy định tại các điều 65, 66 và 68 tại dự thảo luật. Một trong các hành vi bị cấm khi vận động bầu cử tại điều 65 là không được lạm dụng uy tín, chức vụ, quyền hạn để sử dụng phương tiện thông tin đại chúng trong vận động bầu cử.

Điều 66 quy định một trong hai hình thức vận động bầu cử của người ứng cử được tiến hành thông qua các phương tiện thông tin đại chúng.

Còn theo điều 68 thì người ứng cử đại biểu Quốc hội trả lời phỏng vấn trên các phương tiện thông tin đại chúng ở địa phương nơi mình ứng cử và trên trang thông tin điện tử về bầu cử đại biểu Quốc hội của hội đồng bầu cử quốc gia.

Cũng theo điều này thì ủy ban nhân dân cấp tỉnh tổ chức việc đăng tải chương trình hành động của người ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu hội đồng nhân dân trên các phương tiện thông tin đại chúng của địa phương.

"Như thế nào là lạm dụng uy tín chức vụ, quyền hạn để sử dụng phương tiện thông tin đại chúng trong vận động bầu cử trong khi cho phép vận động bầu cử qua phương tiện thông tin đại chúng?", bà Mai nêu vấn đề.

Đề nghị rà soát 3 điều có chứa những quy định nêu trên, bà Mai phân tích: quy định như vậy tức là cơ quan đại chúng Trung ương không được tham gia giới thiệu về ứng cử viên, không được tham gia vận động bầu cử.

"Như thế thì có hợp lý không, tôi hơi băn khoăn", Chủ nhiệm Trương Thị Mai nhấn mạnh.

Cũng liên quan đến tuyên truyền vận động bầu cử, dự thảo báo cáo tiếp thu giải trình mới nhất của Ủy ban Thường vụ Quốc hội thêm một lần khẳng định, việc dự thảo luật chỉ giới hạn hai hình thức vận động bầu cử là: gặp gỡ, tiếp xúc với cử tri tại hội nghị tiếp xúc cử tri do Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc các cấp ở địa phương nơi mình ứng cử tổ chức và thông qua các phương tiện thông tin đại chúng là để bảo đảm sự công bằng và bình đẳng giữa những người ứng cử, bảo đảm tính công khai, minh bạch cho cuộc bầu cử.

Đây là những hình thức vận động bầu cử cơ bản, qua áp dụng trên thực tế đã cho thấy sự hợp lý, báo cáo nêu rõ.

Điểm mới đáng chú ý của dự thảo luật là thay vì quy định “có số lượng thích đáng” đại biểu là phụ nữ, người dân tộc thiểu số, đại biểu tái cử, người trẻ tuổi ngay thì đã ấn định phải bảo đảm để có ít nhất là 15% tổng số người ứng cử đại biểu Quốc hội là người dân tộc thiểu số, ít nhất là 30% tổng số người ứng cử đại biểu Quốc hội là phụ nữ.

Tuy nhiên, theo một số ý kiến, nếu để số lượng như thế này thì không thể nào bầu đủ 30% đại biểu nữ.

Ứng cử phải có số dư, nếu định bầu 30% đại biểu là phụ nữ thì tỷ lệ ứng cử phải cao hơn, ít nhất là 35%, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng góp ý.

Sau khi tiếp tục hoàn thiện, dự thảo Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và hội đồng nhân dân sẽ được trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp tháng 5 tới.