09:42 17/11/2015

Bộ trưởng “câu giờ”, Chủ tịch Quốc hội “can thiệp”

Nguyên Vũ

Sáng 17/11, phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại nghị trường đã sôi động hơn

Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng "xin" 35 phút nhưng Chủ tịch yêu cầu trả lời thẳng vào câu hỏi.<br>
Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng "xin" 35 phút nhưng Chủ tịch yêu cầu trả lời thẳng vào câu hỏi.<br>
Sáng 17/11, phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại nghị trường đã sôi động hơn khi Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng liên tục nhắc nhở hai bộ trưởng Tài chính và Nội vụ.

Xin 35 phút trình bày

Được mời trả lời ngay từ 8h, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng không trả lời thẳng vào các chất vấn của đại biểu đã nêu ngày hôm trước, mà tập trung trình bày 5 vấn đề ông đã chuẩn bị sẵn.

Bộ trưởng khẳng định ngành tài chính đã nỗ lực hết mình tham mưu ban hành chính sách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh nhưng nhìn lại còn nhiều vấn đề như nợ công, tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, quản lý thuế  là những vấn đề trọng tâm còn nhiều vấn đề cần tiếp tục quan tâm thời gian tới...

Sau đó ông Dũng trình bày lần lượt về nợ công, tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, cơ cấu thu chi ngân sách, quản lý thuế...

Cho dù, hầu hết thông tin ở đây đều đã được thể hiện trong các báo cáo được gửi đến các vị đại biểu Quốc hội.

Chẳng hạn, nợ công tăng với tốc độ quá cao (20% một năm) nhưng vẫn ở giới hạn an toàn. Rồi Chính phủ sẽ tăng cường quản lý, siết điều kiện cho vay…

Tuy nhiên, cũng có một vài thông tin mới liên quan đến phát hành trái phiếu. Bộ trưởng bày tỏ là rất phấn khởi đã được Quốc hội đồng ý cho phát hành trái phiếu quốc tế nhưng chưa phát hành vào thời điểm này vì chưa thuận lợi...

Đến đây, 22 phút đã trôi qua. Phó chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn từ vị trí điều hành nhắc Bộ trưởng nói gọn lại.

Bộ trưởng Dũng bèn nói, ông xin 35 phút để trình bày hết các vấn đề đã chuẩn bị.

Chủ tịch Quốc hội sốt ruột, ông nhắc lại câu hỏi của đại biểu là có thu được 34 ngàn tiền thuế nợ đọng hay không, và đề nghị Bộ trưởng chỉ cần trả lời là có thu được hay không?

Chắc chắn là thu được, năm nay đã thu được 31 ngàn, Bộ trưởng Dũng đáp.

Chủ tịch hỏi tiếp, vậy cải cách hành chính trong lĩnh vực thuế thì có như yêu cầu của Thủ tướng là đến 2016 tương đương ASEAN 4 không?

“Năm 2016 sẽ tương đương ASEAN 4”, ông Dũng trả lời và “nhường” vị trí trả lời cho Bộ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Thái Bình.

Hỏi nhanh, đáp chưa gọn

Trước đó, chiều hôm trước, đại biểu Nguyễn Bá Thuyền đã chất vấn Bộ trưởng Bình rằng chức danh hàm không có quy định trong luật nhưng một số nơi vẫn làm và chưa thấy giải quyết thì đúng luật hay không?

Ông Thuyền cũng đặt vấn đề dưới địa phương nói nếu Chính phủ làm được thì ở dưới cũng quy định hàm trưởng phòng, hàm phó phòng để giải quyết chế độ chính sách cho anh em thì có được không?

Sáng nay, như mọi lần trả lời chất vấn khác, Bộ trưởng Bình chậm rãi trình bày là tính đến nay thì chưa có quy định nào về hàm, sau ý kiến đại biểu thì đã đề nghị các đơn vị có thực hiện chức danh hàm báo cáo, sau đó Bộ đã tổng hợp rồi tiến hành đánh giá hội thảo, lấy ý kiến chuyên gia…

“Câu hỏi đơn giản là Trung ương làm thế có đúng không? Nếu đúng thì địa phương làm được không?”, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng ngắt lời.

“Sau khi nghiên cứu, thì có hai nhóm ý kiến…”, Bộ trưởng Bình tiếp tục trình bày.

Chủ tịch Quốc hội liền nhắc, Bộ trưởng chỉ nói xử lý thế nào thôi, chứ việc bộ làm thì nhiều lắm.

“Tới giờ này không có văn bản nào cho phép làm, nhưng hiện nay thì có hai loại ý kiến, một là công nhận chức danh này và nhóm hai là không quy định về chức danh này. Thủ tướng đã yêu cầu Bộ Nội vụ chủ trì hoàn thiện đề án xin ý kiến Chính phủ. Hiện nay chưa có quy định nào thì địa phương không được thực hiện”, ông Bình nói.

“Như vậy hiện nay làm là sai nhưng đấy là thực tế, Bộ Nội vụ đang được giao nghiên cứu và trong khi đó thì địa phương và cả trung ương không được làm, phải thế không?”, Chủ tịch Quốc hội hỏi.

“Dạ đúng rồi ạ”, Bộ trưởng Nguyễn Thái Bình đáp.