18:01 14/06/2017

Bộ trưởng Kim Tiến: Tiền trực ngành y đã mua được bát phở

Kiều Linh

Trả lời chất vấn trước Quốc hội, người đứng đầu Bộ Y tế dành nhiều thời gian nói về nhân lực của ngành

Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến trả lời chất vấn đại biểu - Ảnh: TTXVN.
Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến trả lời chất vấn đại biểu - Ảnh: TTXVN.
Ngày 14/6, Quốc hội chủ yếu dành thời gian chất vấn Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, với 49 đại biểu đăng ký câu hỏi, 13 đại biểu tham gia chất vấn...

Giá thuốc tại Việt Nam không cao

Mở đầu phiên chất vấn, đại biểu Nguyễn Chiến (Hà Nội) phản ánh tình trạng quá tải tại cơ sở y tế dẫn đến y bác sĩ thiếu tôn trọng người bệnh. “Vậy ở nước ta, Bộ trưởng có biện pháp thường xuyên nào để cải thiện việc này?”, ông đặt câu hỏi.

Đại biểu Trịnh Ngọc Phương (Tây Ninh) nêu, giá thuốc Việt Nam cao hơn mặt bằng chung trong khu vực, Bộ Y tế có giải pháp gì giảm tác động của việc tăng giá thuốc?

Trả lời các vấn đề trên, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến khẳng định, chuyện bác sĩ thiếu tôn trọng người bệnh nhân ở đâu cũng có, nhưng là số ít. Thời gian qua, Bộ đã có chương trình đổi mới toàn diện, áp dụng chế tài nghiêm khắc với các sai phạm…

"Bộ có giải pháp là dùng đường dây nóng, dùng camera, có giám sát chuyên môn, đã có hơn 7.000 cán bộ y tế bị kỷ luật trong thời gian qua. Đồng thời nâng cao thu nhập của cán bộ nhân viên y tế bằng cách đưa quy định tính đúng, tính đủ giá dịch vụ y tế”, bà nói.

Về việc giá thuốc Việt Nam đang được cho là cao hơn giá thuốc so với các nước trong khu vực, Bộ trưởng Tiến cho rằng giá thuốc Việt Nam ổn định, không cao. Chẳng hạn, giá thuốc biệt dược tại Việt Nam thấp hơn 6 nước ASEAN tới 10%.

Đại biểu Dương Minh Ánh (Hà Nội) chất vấn, tình trạng bán thuốc không cần kê đơn, lạm dụng kháng sinh khiến bệnh nhân kháng thuốc sốc thuốc phải nhập viện. Nhiều hiệu thuốc ở nông thôn và thành thị không bán theo đơn của bác sĩ. Tình trạng mua thuốc dễ như mua rau dẫn tới nhiều hệ luỵ...

Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến thừa nhận, có chuyện người dân đến hiệu thuốc nào cũng mua được không cần kê toa. Bà nói: “Đây là yếu kém của ngành, chúng tôi nhận trách nhiệm, trong nhiệm kỳ này sẽ cố gắng chấm dứt”.

Tiền trực ngành y đã mua được bát phở

Trả lời chất vấn trước Quốc hội, người đứng đầu Bộ Y tế dành nhiều thời gian nói về nhân lực của ngành.

Bà nhấn mạnh, nhân lực y tế hiện vừa thiếu vừa yếu ở tuyến dưới, chưa kể tình trạng y bác sỹ từ tuyến dưới tìm cách chuyển lên tuyến trên và các thành phố lớn. Ngoài ra, nhiều bác sĩ giỏi muốn ra ngoài làm việc cho tư nhân để có thu nhập cao hơn.

Để khắc phục tình hình, Bộ trưởng Kim Tiến cho biết đã ngành y tế có nhiều giải pháp.

Thứ nhất, thực hiện chế độ cử tuyển để phục vụ tại chỗ. Thứ hai, có chương trình với sinh viên y khoa đạt loại giỏi, sau đó đào tạo thêm 3 năm rồi đưa về cơ sở. Thứ ba, đào tạo các bác sĩ gia đình, tư vấn cho bệnh nhân về sức khỏe sinh sản, phòng chống tai biến, chăm sóc trẻ em suy dinh dưỡng, tiêm chủng.

Một biện pháp nữa là xây dựng các bệnh viện vệ tinh, chuyển giao kỹ thuật từ bệnh viện tuyến trên cho bệnh viện tuyến dưới.

Về chính sách cho cán bộ y tế, đặc biệt là cấp cơ sở, Bộ trưởng Kim Tiến cho hay, Bộ Y tế đã tham mưu cho Chính phủ ban hành nhiều nghị định, quy định về chế độ đặc thù.

“Lương tháng của bác sĩ mổ ở tuyến huyện đã có thể được 12 triệu đồng, tuyến tỉnh có thể 15 triệu đồng mỗi tháng. Tiền trực cũng cải thiện, trước anh em nói, tiền trực mỗi ca không đủ bát phở, nay đã lên mức 25.000 đồng, có ca lớn thì cũng đến 100.000 đồng”, bà Tiến nói.

Không cổ phần hoá bệnh viện công lập

Đặt câu hỏi cho Bộ trưởng Kim Tiến, nhiều đại biểu nêu vấn đề khuyến khích phát triển bệnh viện tư, cổ phần hoá bệnh viện công, tình trạng quá tải bệnh viện bao giờ chấm dứt, quan điểm của Bộ Y tế về tình trạng tai biến y khoa liên quan đến sử dụng máy móc, thiết bị y tế…

Trả lời câu hỏi về việc các bệnh viện tuyến trên có còn tình trạng giường bệnh ghép hai, ghép ba hay không, Bộ trưởng Y tế cho biết tỷ lệ nằm ghép đã giảm hẳn, chỉ còn một vài bệnh viện như Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội), Bệnh viện Ung bướu (Tp.HCM)… nhưng chủ yếu diễn ra ở những thời điểm có dịch.

Đạt được điều này là do ngành y tế đã thực hiện rất nhiều giải pháp nhằm giảm tải, đặc biệt là quá trình xây dựng các bệnh viện vệ tinh.

Bà cũng khẳng định sẽ có những chính sách khuyến khích phát triển y tế tư nhân, tạo điều kiện kết hợp công - tư, Bộ Y tế đang cố gắng để số giường bệnh tư nhân chiếm 20% tổng số giường bệnh.

“Phát triển y tế tư nhân sẽ tạo ra khả năng lựa chọn cho bệnh nhân, giúp giảm tải, khuyến khích đầu tư từ xã hội, tạo sự cạnh tranh công bằng giữa y tế công và y tế tư nhân”, bà Tiến nói.

Tuy nhiên, người đứng đầu Bộ Y tế cũng cho hay, nếu tính điểm theo chuẩn quốc tế thì điểm chất lượng bệnh viện tuyến Trung ương vẫn là cao nhất. Lý giải điều này, bà nói: “Cái khó là vấn đề nhân lực”.

Về vấn đề xã hội hoá, Bộ trưởng nói, quan điểm của Bộ Y tế là không cổ phần hoá bệnh viện công lập, còn lại thì sự kết hợp công - tư phải rõ ràng.