16:04 07/11/2014

Bộ trưởng Thăng không dễ phạt “quân nhà mình”

Anh Minh

Bộ trưởng muốn phạt nhà thầu thì phải làm công văn đề nghị chánh thanh tra sở xây dựng

Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Đinh La Thăng.<br>
Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Đinh La Thăng.<br>
"Tôi họp Chính phủ, Thủ tướng nhắc đi nhắc lại nhiều lần, tiến độ phải đảm bảo nhưng chất lượng là trên hết", Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Đinh La Thăng phát biểu tại hội nghị đánh giá tình hình triển khai các dự án nâng cấp, mở rộng quốc lộ 1 và quốc lộ 14 theo hình thức BOT, hôm 6/11 tại Hà Nội.

"Bộ sẽ thành lập các hội đồng nghiệm thu, theo đó nếu dự án do thứ trưởng này chỉ đạo thì việc nghiệm thu sẽ do thứ trưởng khác đảm nhận, đảm bảo quy trình kiểm tra chéo ngay trong chính nội bộ Bộ Giao thông Vận tải", ông nói.

Ông Thăng cho hay, theo kế hoạch, toàn bộ dự án nâng cấp, mở rộng quốc lộ 1 và quốc lộ 14 sẽ được hoàn thành vào cuối năm 2015, sớm một năm so với yêu cầu được đặt ra trong nghị quyết của Quốc hội.

"Về phía các cơ quan của Bộ Giao thông Vận tải, tôi đề nghị tháo gỡ các khó khăn vướng mắc cho các nhà đầu tư và nhà thầu, đặc biệt về tiêu chuẩn, quy chuẩn, quy trình triển khai thi công, nhất là về kết cấu mặt đường".

"Một mặt, Bộ cũng sẽ kiên quyết xử lý nhà thầu, chủ đầu tư không nghiêm túc. Trong đợt này, chúng tôi cảm ơn các cơ quan báo chí và người dân đã góp phần phát hiện nhiều trường hợp thi công không đảm bảo chất lượng, không đúng quy trình", ông nói.

Tuy nhiên, Bộ trưởng cũng cho biết, có một thực tế là Bộ trưởng muốn phạt nhà thầu thì phải làm công văn đề nghị chánh thanh tra sở xây dựng của địa phương đó mới phạt được, trong khi chất lượng thì Bộ trưởng phải chịu trách nhiệm.

Thậm chí, nếu Bộ trưởng muốn phạt “quân nhà mình” cũng không được, Vụ Tổ chức cán bộ sẽ “tuýt còi” ngay vì sai quy trình, mà phải là từ dưới đề xuất lên, sau đó bộ thành lập hội đồng kỷ luật mới có thể xem xét xử lý.

Thế nên Bộ trưởng chỉ có thể tạm đình chỉ, nhưng đình chỉ rồi người bị đình chỉ có thời gian "xoay xở", lại là thân chỗ nọ quen chỗ kia. "Cách chức ngay thì được vì không kịp xoay xở. Đình chỉ xong có xử lý được không lại khác. Có rất nhiều chuyện mà không giải quyết ngay thì cuối cùng rất khó xử lý", ông Thăng nói.

Tại hội nghị, Bộ trưởng Thăng và các nhà đầu tư, nhà thầu cũng nhấn mạnh đến vai trò của Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) và các ngân hàng khác trong việc tài trợ vốn, góp phần thúc nhanh việc triển khai các dự án.

Đến thời điểm hiện tại, BIDV đã chấp thuận tài trợ cho 12 dự án BOT nâng cấp mở rộng quốc lộ 1, quốc lộ 14, trong đó đã ký kết hợp đồng tín dụng cho 11 dự án với tổng số tiền cam kết cho vay là khoảng 17.362 tỷ đồng, chiếm 45% tổng mức cam kết của các tổ chức tín dụng là 38.662 tỷ đồng.

“Nếu tính cả số tiền BIDV dự kiến cho vay đối với dự án BOT đang thẩm định và hai dự án BOT cầu Việt Trì, cầu Mỹ Lợi thì BIDV đã cam kết tài trợ vốn với số tiền lên tới 20.765 tỷ đồng”, Chủ tịch BIDV Trần Bắc Hà cho biết.