18:54 06/10/2016

Bốn ngày cho "số phận" luật hỗ trợ doanh nghiệp

Nguyên Vũ

Nếu đến ngày 10/10, hồ sơ không được hoàn thiện và uỷ ban thẩm tra thấy chưa đủ điều kiện thì dự án Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa sẽ không được trình ra Quốc hội

Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho rằng, nếu làm không đạt chất lượng thì luật có khả năng bị lợi dụng.
Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho rằng, nếu làm không đạt chất lượng thì luật có khả năng bị lợi dụng.
Nếu đến ngày 10/10, hồ sơ không được hoàn thiện và uỷ ban thẩm tra thấy chưa đủ điều kiện thì dự án Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa sẽ không được trình ra Quốc hội.

Đó là tinh thần kết luận của Phó chủ  tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển sau phiên thảo luận khá căng thẳng về dự án Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa tại Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, sáng 6/10.

Căng, trước hết là bởi thời gian Chính phủ trình dự án luật đã vi phạm luật. Sau nữa là còn quá nhiều vấn đề khiến các vị uỷ viên Uỷ ban Thường vụ Quốc hội chưa thể yên tâm.

Một trong những băn khoăn lớn nhất là không phải các quy định hiện hành chưa quan tâm hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa mà vấn đề nằm ở khâu thực hiện.

Ông Hiển lấy ví dụ điều 19 Luật Đầu tư đã quy định rất cụ thể về nhiều hình thức hỗ trợ đầu tư và giao Chính phủ quy định chi tiết các hình thức hỗ trợ đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa nhưng đến nay quy định này vẫn chưa ra đời.

Quy định là như thế thì Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có cơ chế nào chưa hay đến nay vẫn chỉ có cái nghị định 56 thôi? như thế không phải không có căn cứ pháp lý mà chưa làm hết trách nhiệm, ông Hiển khẳng định.

Trở lại ý kiến của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng về sự thiếu trách nhiệm của các bộ trong quá trình xây dựng luật, ông Hiển nói rằng ý kiến của Bộ Tư pháp là có căn cứ.

Nhưng ông Hiển cũng lưu ý Bộ Tư pháp mới chỉ có công văn thể hiện ý kiến chứ chưa có hồ sơ thẩm định theo quy định của luật.

"Anh Dũng nói Chính phủ đã thống nhất thì các bộ nói  khác cũng không có giá trị nhưng Bộ Tư pháp chủ trì hội đồng thẩm định thì nhất định phải trình đủ hồ sơ", ông Hiển kết.

Phó chủ tịch nhấn thêm vấn đề được lật đi lật lại suốt phiên thảo luận là luật này ra đời có mâu thuẫn chồng chéo với các luật khác hay không. Ông Hiển cũng nhắc lại sự chưa đồng thuận của các bộ và câu trả lời của Bộ trưởng Dũng là  muốn đổi mới thì phải chấp nhận ý kiến trái chiều và phải đột phá.

Nhưng, ông Hiển hết sức lưu ý là đồng ý có đột phá nhưng đột đừng có "phá" hết các quy định của các luật khác thì không được.

Ông Hiển nói rõ, nếu dự án luật sau khi tiếp thu ý kiến tại phiên thảo luận hoàn thiện tốt để đến mùng 10/10 có đủ báo cáo thẩm định, báo cáo đánh giá tác động, uỷ ban Kinh tế và Uỷ  ban Pháp luật thấy đủ điều kiện thì mới có thể trình Quốc hội.

"Thế cũng là châm chước rồi, còn nhiều điều phải sửa vì quy định còn mâu thuẫn ghê gớm, nếu không cẩn thận khi ban hành luật sẽ có khả năng bị lợi dụng", ông Hiển nói.

Như vậy là cơ quan soạn thảo và các cơ quan liên quan có 4 ngày để quyết định số phận của dự án luật mà theo lời Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đặng Huy Đông thì ban hành chậm ngày nào thiệt thòi cho đất nước ngày đó.

4 ngày quả thật là quá ít ỏi, nhưng chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nói 22h đêm trước phiên thảo luận bà mới nhận được hồ sơ dự án luật nên chỉ đọc được tờ trình và báo cáo thẩm tra. "Chúng tôi chỉ có đêm qua còn các đồng chí có 4 ngày", Chủ tịch nói.