11:37 14/08/2017

Chậm tiến độ, 3 nhà thầu BOT Quốc lộ 18 Bắc Ninh - Uông Bí bị loại

Đinh Tịnh

Chủ đầu tư BOT Quốc lộ 18 đoạn Bắc Ninh - Uông Bí đã “trảm” 3 nhà thầu yếu tại dự án nhưng nỗi lo vẫn còn đó

Do nhiều hạng mục chậm trễ, Công ty Cổ phần BOT Phả Lại và Ban quản lý dự án tiếp tục đề nghị Bộ Giao thông Vận tải cho gia hạn 
tiến độ hoàn thành đến 31/12/2017.
Do nhiều hạng mục chậm trễ, Công ty Cổ phần BOT Phả Lại và Ban quản lý dự án tiếp tục đề nghị Bộ Giao thông Vận tải cho gia hạn tiến độ hoàn thành đến 31/12/2017.
Do chậm trễ trong tiến độ thi công, thậm chí đã 2 lần phải xin lùi tiến độ, vì thế, chủ đầu tư BOT Quốc lộ 18 đoạn Bắc Ninh - Uông Bí đã “trảm” 3 nhà thầu yếu tại dự án nhưng nỗi lo vẫn còn đó.

Được khởi công tháng 5/2014 với tổng mức đầu tư phê duyệt ban đầu hơn 2.905 tỷ đồng, dự án BOT cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 18 đoạn Bắc Ninh - Uông Bí dài 57km dự kiến sẽ hoàn thành vào 31/3/2017.

Tuy nhiên, do bị chậm tiến độ nên dự án đã được gia hạn thêm 6 tháng đến 30/9/2017. Thế nhưng, đến nay, do nhiều hạng mục chậm trễ, Công ty Cổ phần BOT Phả Lại (doanh nghiệp dự án) và Ban quản lý dự án (Ban quản lý dự án 2 - đại diện cơ quan nhà nước có thẩm quyền), tiếp tục đề nghị Bộ Giao thông Vận tải cho gia hạn tiến độ hoàn thành đến 31/12/2017.

Ám ảnh nỗi lo mặt bằng


Sau hơn 3 năm thi công, hiện dự án BOT Quốc lộ 18 đoạn Bắc Ninh – Uông Bí đang phải đối mặt với nỗi lo mặt bằng kéo dài dai dẳng. Đặc biệt là các tỉnh Bắc Ninh, Hải Dương và Quảng Ninh rất chậm.

Ngày 13/8, ông Nguyễn Ngọc Quỳnh, Phó phòng PID 6, Ban quản lý dự án 2 cho biết, hiện nay, vấn đề mặt bằng đang là nỗi lo lớn nhất của dự án. Trong nhiều tháng qua, vốn của dự án không thiếu, nhà đầu tư luôn tập trung máy móc, nhân lực để khi có mặt bằng đến đâu, lập tức thi công ngay đến đó.

Tuy nhiên, do bàn giao mặt bằng rải rác, nên dự án thi công khá cầm chừng. Giải thích về lý do chậm trễ bàn giao mặt bằng sạch, ông Quỳnh cho rằng do nguồn gốc đất khá phức tạp và giá đền bù đất của địa phương thấp nên chưa thỏa thuận được với người dân, dẫn đến khiếu kiện kéo dài, tắc mặt bằng.

Cụ thể, trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh, giải phóng mặt bằng mới đạt 89,7% (khoảng 25,8/28,7km). Mặt bằng còn vướng mắc chủ yếu tập trung trên đoạn qua Tp.Uông Bí (mới bàn giao đường 1/2,86km, còn vướng khoảng 200 hộ và hệ thống hạ tầng kỹ thuật).

Đoạn qua Thị xã Đông Triều vẫn còn vướng 32 hộ thuộc xã Hồng Thái Đông, Hồng Thái Tây. Tại Hải Dương, ngày 8/8, tỉnh vừa bàn giao thêm được 200m mặt bằng, nhưng vẫn còn 600m hạ tầng kỹ thuật và các nút giao Sao Đỏ, Côn Sơn-Kiếp Bạc.

Bên cạnh điểm nghẽn về mặt bằng, năng lực của các nhà thầu phụ cũng tỏ ra yếu kém, khiến tiến độ dự án bị chậm. Vì thế, Ban quản lý dự án 2 và chủ đầu tư đã quyết định rút bớt khối lượng công việc hoặc loại một số nhà thầu ra khỏi dự án.

Cụ thể, 3 nhà thầu là Công ty Cổ phần Đầu tư xây dựng Hoà Bình, Công ty Cổ phần Đầu tư xây dựng công trình 323 và Công ty Thành An 195.

Đồng tình cách xử lý trên, ông Phan Quốc Hiếu, Phó cục trưởng Cục Quản lý xây dựng và Chất lượng công trình giao thông cho rằng, việc loại các nhà thầu yếu ra khỏi dự án là cần thiết. Vì qua kiểm tra, tại một số đoạn tuyến đã có mặt bằng, Cục Quản lý xây dựng & chất lượng công trình giao thông đã lập các mốc tiến độ và hướng dẫn nhà đầu tư, nhà thầu nhưng tiến độ vẫn chậm so với tiến độ. Vì thế, cần phải thay nhà thầu yếu để tăng tốc tiến độ. Trong khi đó, năng lực đơn vị tư vấn thiết kế của dự án cũng rất yếu.

“Trong quá trình thiết kế, đơn vị tư vấn làm không sát, dẫn tới khi triển khai thực tế phải bổ sung rất nhiều. Nhà đầu tư đã lựa chọn và ký hợp đồng với Công ty Cổ phần Thiết kế Giao thông Vận tải phía Nam (TEDI SOUTH). Tuy nhiên, đơn vị này chỉ đứng tên trên danh nghĩa, còn thực tế khi triển khai thì đi thuê lại đơn vị khác”, đại diện Cục Quản lý xây dựng và Chất lượng công trình giao thông cho biết.

Không thể chậm trễ, kéo dài

Ông Hiếu nhấn mạnh để Bộ Giao thông Vận tải tiếp tục gia hạn tiến độ dự án đến 31/12/2017, Ban Quản lý dự án 2 và đơn vị tư vấn phải xác định rõ lỗi nào do nhà đầu tư, lỗi nào do địa phương chậm bàn giao mặt bằng thi công. “Lỗi do nhà đầu tư làm tiến độ dự án kéo dài sẽ không được tính vào tổng mức đầu tư dự án”, ông Hiếu khẳng định.

Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Công cho biết, Bộ Giao thông Vận tải đồng ý về chủ trương gia hạn tiến độ hoàn thành toàn bộ dự án trước ngày 31/12/2017 theo đề nghị của Ban quản lý dự án 2 và Công ty Cổ phần BOT Phả Lại.

“Cục Quản lý xây dựng và Chất lượng công trình giao thông, Ban quản lý dự án 2, nhà đầu tư tiếp tục làm việc với các địa phương để giải quyết dứt điểm các tồn tại về mặt bằng, xác định cụ thể thời gian bàn giao mặt bằng còn lại làm cơ sở để Bộ Giao thông Vận tải xem xét, gia hạn cụ thể tiến độ hoàn thành dự án, xác định trách nhiệm của các bên liên quan”, Thứ trưởng Công chỉ đạo.

Ông cho rằng, việc giải phóng mặt bằng của các địa phương thực hiện chưa đúng với cam kết, vì thế, cũng phần nào ảnh hưởng đến quá trình thi công. Hơn thế, công tác tổ chức thi công của nhà đầu tư và các nhà thầu chưa quyết liệt, công tác tư vấn thiết kế còn thiếu sót, phải điều chỉnh, bổ sung trong quá trình thực hiện.

Vì thế, Thứ trưởng Nguyễn Văn Công yêu cầu Ban quản lý dự án 2, nhà đầu tư chỉ đạo tư vấn giám sát, phải tăng tốc tối đa dự án, các nhà thầu huy động đầy đủ thiết bị, nhân lực để thi công hoàn thành các đoạn đã bàn giao dứt điểm mặt bằng như kế hoạch.

“Các nhà thầu phải triển khai thi công ngay những đoạn tuyến đã nhận mặt bằng để tránh tái lấn chiếm cũng như khi địa phương tổ chức bảo vệ mặt bằng thi công. Các đoạn có đủ công địa cần tổ chức thi công liên tục áp sát các khu vực còn vướng mắc về mặt bằng”, Thứ trưởng Nguyễn Văn Công khẳng định.