18:07 19/06/2017

Chính phủ được “nợ” báo cáo xử lý sai phạm trong chi ngân sách

Nguyên Vũ

Chỉ có 5 đại biểu không tán thành phê chuẩn quyết toán ngân sách Nhà nước năm 2015

Tháng 5/2018, Chính phủ sẽ phải báo cáo cụ thể với Quốc hội danh sách, mức độ xử lý sai phạm trong quản lý, điều hành ngân sách hai năm 2014-2015.<!--EndFragment-->
Tháng 5/2018, Chính phủ sẽ phải báo cáo cụ thể với Quốc hội danh sách, mức độ xử lý sai phạm trong quản lý, điều hành ngân sách hai năm 2014-2015.<!--EndFragment-->
Dù thừa nhận thực tế vẫn còn xảy ra tình trạng sử dụng kinh phí sai chế độ, tiêu chuẩn, định mức ở nhiều bộ, ngành, địa phương và diễn ra trong nhiều năm nhưng chậm được khắc phục, nhưng Quốc hội vẫn phê chuẩn quyết toán ngân sách Nhà nước năm 2015.

Chiều 19/6, báo cáo tiếp thu, giải trình trước khi các vị đại biểu bấm nút nội dung trên, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội phản ánh ý kiến đại biểu cho rằng vẫn còn xảy ra tình trạng chi ngân sách sai chế độ, định mức, không đúng mục đích, thất thoát, lãng phí và chậm được khắc phục.

Thừa nhận đại biểu nêu đúng, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội giải trình, mặc dù Chính phủ đã quyết liệt chỉ đạo các bộ, cơ quan, địa phương thực hiện đúng định mức, tiêu chuẩn, quản lý chi ngân sách chặt chẽ, thực hiện tiết kiệm các khoản chi thường xuyên. Tuy nhiên, vẫn còn xảy ra tình trạng sử dụng kinh phí sai chế độ, tiêu chuẩn, định mức ở nhiều bộ, ngành, địa phương và diễn ra trong nhiều năm nhưng chậm được khắc phục.

Tiếp thu ý kiến

Báo cáo nêu rõ, tiếp thu ý kiến đại biểu, đề nghị Chính phủ chỉ đạo nghiên cứu để sửa đổi, bổ sung các chế độ, tiêu chuẩn, định mức chi ngân sách Nhà nước còn bất cập cho phù  hợp với thực tiễn và yêu cầu quản lý, tiếp tục quyết liệt triển khai và cụ thể hoá hơn nữa các quy định, đảm bảo tính công khai, minh bạch, xử lý nghiêm trách nhiệm của người đứng đầu.

Giải trình việc bội chi ngân sách tăng ảnh hưởng nợ công, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội nêu rõ, trong năm 2015, Chính phủ đã thực hiện đồng bộ, quyết liệt các giải pháp tăng thu, tiết kiệm chi, song bội chi vẫn ở mức 6,28% GDP, tăng so với dự toán Quốc hội quyết định là 0,57% GDP.

Do, GDP thực hiện năm 2015 thấp hơn so với kế hoạch nhưng không được điều chỉnh, làm tỷ lệ bội chi tăng so với dự toán là 0,39%. Số hoàn thuế giá trị gia tăng tăng 7.452 tỷ đồng, làm tỷ lệ bội chi tăng so với dự toán là 0,18% GDP. Việc tăng bội chi trên cũng làm tăng nợ công tương ứng, theo đó, nợ công đến 31/12/2015 là 61,8% GDP.

Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cũng đề nghị, Chính phủ cần có giải pháp tính toán GDP sát thực tế và trong điều hành cần bám sát dự toán, tăng thu, tiết kiệm chi, ưu tiên giảm bội chi, bảo đảm bội chi trong phạm vi đã được Quốc hội quyết định (cả số tuyệt đối và tỷ lệ % GDP), để không vượt trần nợ công, nhằm đảm bảo an ninh tài chính quốc gia.

Quá trình thảo luận, đại biểu cũng đề nghị Chính phủ cần báo cáo rõ kết quả xử lý các tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật trong việc quản lý, điều hành ngân sách Nhà nước theo đúng Nghị quyết của Quốc hội.

Báo cáo tiếp thu giải trình cũng nêu rõ là Chính phủ chưa báo cáo rõ về kết quả xử lý với các tổ chức, cá nhân vi phạm quy định trong quản lý, điều hành ngân sách và hiện nay Chính phủ đang giao Bộ Nội vụ xem xét, đề xuất.

Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ tiếp thu ý kiến đại biểu, sớm tổng hợp để báo cáo cụ thể với Quốc hội tại kỳ họp thứ năm (tháng 5/2018) về danh sách, mức độ xử lý sai phạm đối với từng tổ chức, cá nhân sai phạm trong quản lý, điều hành ngân sách hai năm 2014-2015. Đồng thời cần tiếp tục chỉ đạo rà soát và thực hiện nghiêm túc các kiến nghị tại báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính - Ngân sách, kết luận và kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước , bảo đảm thực hiện nghiêm kỷ luật tài chính.

Phê chuẩn như trình

Ngoài nội dung trên, còn một số hạn chế khác được giải trình, song đa số đại biểu vẫn phê chuẩn quyết toán ngân sách năm 2015 như Chính phủ trình.

Đó là, tổng số thu cân đối ngân sách Nhà nước là 1.291.342 tỷ đồng, bao gồm cả số thu chuyển nguồn năm 2014 chuyển sang năm 2015, thu kết dư ngân sách địa phương năm 2014, thu huy động đầu tư của ngân sách địa phương và thu từ quỹ dự trữ tài chính theo quy định của Luật Ngân sách Nhà nước;

Tổng số chi cân đối ngân sách Nhà nước là 1.502.189 tỷ đồng (bao gồm cả số chi chuyển nguồn từ năm 2015 sang năm 2016);

Bội chi ngân sách Nhà nước là 263.135 tỷ đồng, bằng 6,28% tổng sản phẩm trong nước (GDP), không bao gồm kết dư ngân sách địa phương.
Nguồn bù đắp bội chi ngân sách Nhà nước là vay trong nước: 195.900 tỷ đồng; vay ngoài nước: 67.235 tỷ đồng.

Quốc hội giao Chính phủ kiểm điểm trách nhiệm, xử lý nghiêm, kịp thời các tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật trong việc quản lý, điều hành ngân sách Nhà nước. Báo cáo cụ thể với Quốc hội khi trình báo cáo quyết toán ngân sách Nhà nước năm 2016 về danh sách, mức độ, xử lý sai phạm trong quản lý, điều hành ngân sách Nhà nước hai năm 2014-2015.