12:30 06/10/2014

Chính phủ và cách “ứng xử” mới với nợ công

Nguyên Thảo

Xưa nay, dù Quốc hội có sốt ruột cỡ nào thì Chính phủ đều khẳng định nợ công của Việt Nam vẫn nằm trong ngưỡng an toàn

Vẫn liên quan đến những ứng xử với nợ công cần được luật hóa, dự thảo 
Luật Kiểm toán Nhà nước (sửa đổi) vừa được gửi tới các vị đại biểu cũng 
đã bổ sung đối tượng kiểm toán là “cơ quan quản lý, sử dụng nợ công” cho
 phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ kiểm toán nợ công - Ảnh: V.H.
Vẫn liên quan đến những ứng xử với nợ công cần được luật hóa, dự thảo Luật Kiểm toán Nhà nước (sửa đổi) vừa được gửi tới các vị đại biểu cũng đã bổ sung đối tượng kiểm toán là “cơ quan quản lý, sử dụng nợ công” cho phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ kiểm toán nợ công - Ảnh: V.H.
Một năm trước, ngày 4/10/2013, nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 9/2013 được ban hành, hai chữ “nợ công” chỉ xuất hiện một lần.

Đó là khi Bộ Tài chính được yêu cầu hoàn chỉnh dự toán ngân sách theo hướng tổng vốn đầu tư phát triển từ dự toán ngân sách nhà nước và trái phiếu Chính phủ năm 2014 không thấp hơn dự toán 2013, bảo đảm nợ công không vượt quá giới hạn an toàn.

Đó là một lưu ý thông thường, như bao lần khác Chính phủ nói về nợ công.

Cũng ban hành ngày 4/10, nhưng là một năm sau, nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 9/2014 đã thể hiện rõ hơn lo lắng về gánh nặng nợ nần của quốc gia.

Ngay từ phần đánh giá tình hình kinh tế - xã hội tháng 9 và 9 tháng của năm nay, Chính phủ đã nhìn nhận, “nợ công có xu hướng gia tăng”.

Sang phần một số nhiệm vụ giải pháp trọng tâm cần tập trung thực hiện trong những tháng cuối năm, Bộ Tài chính được yêu cầu rà soát cụ thể để xây dựng báo cáo đánh giá tổng thể về tình hình nợ công, trong đó phân tích hiệu quả, những tồn tại, hạn chế và giải pháp điều hành trong thời gian tới.

Báo cáo này sẽ đưa ra thảo luận tại hội nghị triển khai kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước 2015, nghị quyết nêu rõ.

Với chỉ đạo này, có thể nói “ứng xử” với nợ công của Chính phủ đã có phần thay đổi.

Xưa nay, dù Quốc hội có sốt ruột cỡ nào thì các thành viên Chính phủ khi đăng đàn đều khẳng định nợ công của Việt Nam vẫn nằm trong ngưỡng an toàn.

Đều đặn gửi đến Quốc hội theo luật, song báo cáo về tình hình nợ công của Chính phủ cũng ít khi được mổ xẻ riêng và sâu.

Các cuộc bàn thảo chuyên về nợ công do các cơ quan quản lý nhà nước tổ chức lại càng hiếm khi xuất hiện trên báo chí. Còn ở các hội thảo do cơ quan của Quốc hội và các cơ quan khác chủ trì thì nợ công Việt Nam vẫn rối như tơ vò.

Bởi, theo khái quát của nhiều chuyên gia thì quan niệm về nợ công của Việt Nam chưa thực sự rõ ràng, còn nhiều điểm khác với quốc tế, sai số quá lớn và chuẩn mực đo không thống nhất.

Nhưng, nguy cơ thực sự của nợ công Việt Nam, vẫn theo cảnh báo của các chuyên gia kinh tế thì không nằm ở các con số vay nợ mà ở năng lực trả nợ, được chính Chính phủ thừa nhận tại một báo cáo giữa năm 2014 là “khó khăn”.

Những khoản nợ xấu của khu vực doanh nghiệp nhà nước mà rất có thể sẽ phải dùng ngân sách nhà nước để trả mới là mầm mống đe dọa tính bền vững của nợ công Việt Nam cũng là nhận định được nhấn mạnh tại không ít diễn đàn.

Và, chỉ cách đây một tuần, Chính phủ đã chính thức đề nghị xem xét dùng một phần chi ngân sách để trả nợ xấu cho các doanh nghiệp nhà nước.

Đây, cũng có thể xem là một “ứng xử” mới với nợ công. Và rất có thể cũng sẽ là vấn đề được bàn thảo tại hội nghị triển khai kế hoạch kinh tế, xã hội và ngân sách 2015 – nơi mà theo thông lệ có đầy đủ cả quan chức các bộ, ngành, địa phương…

Thảo luận báo cáo tổng thể về tình hình nợ công có lẽ là lần đầu tiên diễn ra ở phạm vi như vậy.

Động thái này cũng rất phù hợp với lời “hứa” trong báo cáo của Chính phủ gửi Quốc hội tại kỳ họp thứ 7 giữa năm 2014 là sẽ tiếp tục tăng cường tính minh bạch, công khai thông tin về nợ công.

Nhưng, quan trọng hơn là việc bàn thảo công khai tại hội nghị sẽ giúp các địa phương hiểu rõ hơn trách nhiệm của họ, trong bối cảnh nợ của chính quyền địa phương đang nổi lên như một vấn đề nhức nhối đối với việc quản lý tính bền vững của nợ công Việt Nam.

Không phải vô cớ mà mới đây, khi thẩm tra dự án Luật Ngân sách Nhà nước (sửa đổi), Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội đã phải đưa ra đề nghị Chính phủ có báo cáo đánh giá tác động tới tình hình nợ công khi nâng hạn mức dư nợ đối với các địa phương theo phương án trình tại dự thảo luật, làm căn cứ để xây dựng, quản lý nợ công trong giai đoạn tiếp theo.

Cụ thể, Chính phủ đề nghị đối với Hà Nội và Tp.HCM mức dư nợ được nâng từ 100% lên 150% còn các địa phương khác nâng từ 30% lên 50% - 100%.

Chủ nhiệm Phùng Quốc Hiển cho biết, có ý kiến tại cơ quan thẩm tra cho rằng mức dư nợ này là quá cao, chênh lệch quá lớn so với hiện hành, dễ xảy ra tình trạng vay không tính toán đến hiệu quả và khả năng trả nợ, nhất là khi xảy ra tình trạng “tư duy nhiệm kỳ” sẽ tạo áp lực gia tăng nợ công.

Do vậy, ý kiến này đề nghị chỉ xem xét nâng mức dư nợ đối với các địa phương tự cân đối được ngân sách, có tỷ lệ điều tiết về ngân sách Trung ương, giữ nguyên trần vay nợ như quy định hiện hành đối với các địa phương khác.

Vẫn liên quan đến những ứng xử với nợ công cần được luật hóa, dự thảo Luật Kiểm toán Nhà nước (sửa đổi) vừa được gửi tới các vị đại biểu cũng đã bổ sung đối tượng kiểm toán là “cơ quan quản lý, sử dụng nợ công” cho phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ kiểm toán nợ công.

Quy định này được cho là sẽ bảo đảm phát huy vai trò của Kiểm toán Nhà nước trong việc kiểm toán để xem xét mức vay nợ và an toàn nợ công của quốc gia, từ đó kiến nghị các biện pháp nhằm quản lý, sử dụng nợ công có hiệu quả.

Đó, cũng rất đáng được xem như một ứng xử có trách nhiệm, khi mà hiện nay, kiểm toán nợ công là một vấn đề còn rất mới và mới chỉ được kiểm toán lồng ghép trong các cuộc kiểm toán ngân sách nhà nước dẫn đến kết quả còn hạn chế. Và một quy trình để kiểm toán riêng biệt về nợ công vẫn còn đang trong quá trình nghiên cứu xây dựng.