09:22 30/12/2014

Chủ tịch Tp.HCM: Việt Nam nên mua dầu thô dự trữ

Bảo Quyên

Thay vì tăng dự trữ ngoại hối, Chủ tịch UBND Tp.HCM kiến nghị Chính phủ nên mua dầu thô để dự trữ trong giai đoạn giá dầu giảm mạnh

Chủ tịch UBND Tp.HCM phát biểu tại hội nghị trực tuyến của Chính phủ, ngày 29/12.<br>
Chủ tịch UBND Tp.HCM phát biểu tại hội nghị trực tuyến của Chính phủ, ngày 29/12.<br>
“Giá dầu sáng nay chỉ còn 52 USD/thùng, trong khi giá vàng tăng trên 35 triệu/lượng, nên Chính phủ cần nghiên cứu, xem xét việc mua dầu thô để dự trữ”.

Đó là đề xuất của Chủ tịch UBND Tp.HCM Lê Hoàng Quân tại hội nghị Chính phủ với lãnh đạo các địa phương, ngày 29/12.

“Chưa biết đáy chỗ nào”

Theo Chủ tịch Tp.HCM, đây là cơ hội quan trọng. Chúng ta có thể tạm ngưng hoặc giảm sản lượng khai thác dầu, thay vì dự trữ ngoại hối thì tăng dự trữ dầu, vì dầu cũng là nguyên liệu rất quan trọng để phục vụ cho sản xuất.

Trước đó, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh cho biết việc giá dầu thế giới giảm mạnh và chưa có dấu hiệu phục hồi có tác động hai chiều đến nền kinh tế nước ta.

“Giá thành khai thác các mỏ của ta có mức trung bình khoảng từ 35 - 37 USD/thùng, do vậy diễn biến giá dầu hiện nay tuy có giảm lợi nhuận nhưng chưa ảnh hưởng đến kế hoạch khai thác”, Bộ trưởng Vinh cho biết.

Bên cạnh đó, trong kế hoạch trung và dài hạn, giá dầu thế giới giảm có tác động tích cực làm giảm giá xăng dầu trong nước, giảm chi phí đầu vào, giảm chi phí sản xuất, kích thích tiêu dùng, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, là động lực thúc đẩy kinh tế phát triển theo hướng ít phụ thuộc hơn vào dầu mỏ.

“Theo tính toán sơ bộ, nếu giá xăng dầu trong nước mà giảm khoảng 10%, thì chi phí sản xuất sẽ giảm khoảng 0,57%, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) giảm khoảng 0,55% và kinh tế có thể tăng thêm 0,91%”, Bộ trưởng Vinh nói tiếp.

Ở cuối buổi chiều cùng ngày, phản hồi lại kiến nghị của Chủ tịch UBND Tp.HCM, Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng, nói giai đoạn vừa qua, giá dầu thế giới liên tục hạ và “chưa biết đáy chỗ nào”.

Trước tình hình đó, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã giao Bộ Công Thương phối hợp cùng tổ điều hành kinh tế vĩ mô nghiên cứu đề xuất Chính phủ phương án phù hợp để xử lý, tổ chức khai thác dầu thô trong năm 2015 sao để hạn chế bất lợi của việc giá dầu xuống thấp đồng thời đảm bảo tăng trưởng kinh tế vì xuất khẩu dầu thô vẫn là một nguồn thu quan trọng cho ngân sách nhà nước.

“Vừa qua tổ công tác liên ngành đã họp và có trao đổi về tình hình diễn biến giá dầu thô. Hiện chúng tôi cũng đã lên kịch bản và sẽ báo cáo Thường trực Chính phủ trong thời gian tới”, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng nói.

“Đi nước ngoài tốn kém lắm”


Kết luận phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh đến hai vấn đề đang nổi lên như một tồn tại của năm 2014 vừa qua.

Đó là môi trường kinh doanh, thủ tục hành chính vẫn chưa thật thông thoáng, song hành với đó là tình trạng lãng phí vẫn diễn ra hầu hết khắp mọi nơi.

“Trong nhóm 6 nước lân cận mà mình lúc nào cũng thua, cũng đi sau sao được”, ông tỏ ra sốt ruột trước việc môi trường kinh doanh của Việt Nam luôn đi sau Thái Lan, Malaysia…

Riêng với tình trạng lãng phí của công, tiêu dùng không tiết kiệm, người đứng đầu Chính phủ khẳng định “lãng phí đang phổ biến hiện nay, đâu đâu cũng có”, bao gồm cả việc đầu tư kém hiệu quả, thiếu chặt chẽ trong quản lý chi tiêu…

“Chúng ta siết chặt chi tiêu, một chiếc xe công không dám mua nhưng nếu chỉ một đoàn chừng 10 người đi nước ngoài là về phải thanh toán ngay một khoản, ít cũng là 50.000 USD, tức khoảng 1 tỷ đồng, tương đương một chiếc ôtô. Đi nước ngoài tốn kém lắm”, Thủ tướng nhấn mạnh.