18:00 05/12/2016

Chủ tịch VCCI lo thương mại và đầu tư quốc tế đảo chiều

Minh Thuý

TPP trắc trở, xu hướng chống toàn cầu hóa gia tăng, khả năng Mỹ có thể tăng lãi suất

Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc phát biểu tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) thường niên 2016.
Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc phát biểu tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) thường niên 2016.
2017 có thể là một năm nhiều khó khăn đối với cộng đồng doanh nghiệp trong nước, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VVCI) Vũ Tiến Lộc nhìn nhận tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) thường niên 2016.

Khai mạc sáng 5/12 tại Hà Nội, diễn đàn năm nay có sự tham dự của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và nhiều quan chức Việt Nam.

Vẫn nặng gánh “không chính thức”

Theo Chủ tịch VCCI, điểm tích cực nhất có thể thấy là ít có thời điểm nào, Chính phủ và các bộ ngành đã dành nhiều thời gian, ưu tiên cho công tác xây dựng thể chế, sửa đổi, ban hành pháp luật như thời gian vừa rồi.

Và cũng ít có thời điểm nào Chính phủ dành rất nhiều thời gian lắng nghe và đối thoại với các doanh nghiệp như những tháng qua.

Tuy nhiên, ông Lộc so sánh, môi trường kinh doanh của Việt Nam dù đã có những thay đổi khá tốt trong thời gian qua, nhưng so với các quốc gia khác, trước hết trong khu vực ASEAN, thì vẫn còn khoảng cách khá lớn.

Cụ thể, các doanh nghiệp vẫn đang gặp hàng loạt khó khăn trong hoạt động của mình từ vay vốn khó khăn và lãi suất cao so với các nước, thiếu hụt nhân lực có kỹ năng và trình độ phù hợp, chất lượng hạ tầng kém cho đến các vướng mắc và khó khăn về thủ tục hành chính trong lĩnh vực đất đai, thuế, hải quan hay xuất nhập khẩu…

Chủ tịch VCCI nhấn mạnh, khác với nhiều nước, các doanh nghiệp Việt Nam vẫn phải nặng gánh các khoản chi trả không chính thức, gặp phải tình trạng nhũng nhiễu, luôn phải tìm cách đối phó với những rủi ro có thể xảy ra từ thay đổi chính sách, hay sự áp dụng và thực hiện không nhất quán, không dự đoán được của cơ quan Nhà nước các cấp…

Ông Lộc cũng khái quát, khác với doanh nghiệp nhiều nước được kinh doanh trong một môi trường thuận lợi, minh bạch, thủ tục hành chính chuyên nghiệp, bộ máy Nhà nước luôn tìm ra các giải pháp mới để hỗ trợ kinh doanh, để mở đường thúc đẩy doanh nghiệp phát triển…, thì ở Việt Nam, giải pháp cơ bản của nhiều cơ quan Nhà nước vẫn là loay hoay “tháo gỡ khó khăn, giảm phiền hà,  nhũng nhiễu”.

Nhấn mạnh giải pháp quan trọng là hành động, là rút ngắn khoảng cách giữa chính sách và thực tế, Chủ tịch VCCI cho rằng không thể chấp nhận được việc một số lĩnh vực dù được chỉ đích danh là cản trở, cần thay đổi… nhưng sau bao năm vẫn không chịu thay đổi, dù đó chỉ là những thông tư của cấp bộ.

Ông Lộc cũng cho rằng cần tiếp tục phát huy những rà soát độc lập và những ý kiến phản biện đối với các quy định đang cản trở, gây phiền hà cho doanh nghiệp, trước hết về điều kiện cấp phép, quy định thủ tục hành chính để kiến nghị Chính phủ thay đổi.

Bởi, trong quá trình VCCI và Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) rà soát các điều kiện kinh doanh quy định tại cấp thông tư chuyển đổi lên nghị định theo yêu cầu của Chính phủ, đã phát hiện hàng trăm các vấn đề bất cập, có thể bãi bỏ, sửa đổi, đơn giản hoá… Điều đó cho thấy, hoàn toàn có thể phát hiện thêm rất nhiều những vấn đề tương tự đang tồn tại không chỉ trong rất nhiều thông tư, mà còn trong các nghị định, luật…

Điều này cũng có nghĩa, dư địa cải cách đang còn rất lớn.

Cần đột phá chính sách

Đề nghị từ Chủ tịch VCCI là phải tính toán và đánh giá được chi phí và lợi ích của từng thủ tục hành chính đặt ra, chứ không chỉ nêu chung chung là nhằm đảm bảo mục tiêu quản lý Nhà nước, như cách làm phổ biến trước đây.

“Chúng ta dường như đang lạm dụng các giải pháp quản lý, đặt ra rất nhiều gánh nặng hành chính, thủ tục cấp phép và không bao giờ tính đến nó tạo ra gánh nặng như thế nào cho doanh nghiệp, ảnh hưởng thế nào đến sức cạnh tranh của hàng hoá của Việt Nam và gây thiệt hại như thế nào đến nền kinh tế nói chung”, ông Lộc nhận xét.

Theo Chủ tịch VCCI, 2017 có thể là một năm nhiều khó khăn đối với cộng đồng doanh nghiệp trong nước. TPP trắc trở, xu hướng chống toàn cầu hóa gia tăng, khả năng Mỹ có thể tăng lãi suất, và cuộc “cách mạng công nghiệp lần thứ 4” đang ập tới…

“Những nhân tố đó có thể dẫn tới sự đảo chiều của thương mại và đầu tư quốc tế, và sẽ có ảnh hưởng lớn đến các nền kinh tế mới nổi, có độ mở cao, coi xuất khẩu và đầu tư nước ngoài là những động lực tăng trưởng chính như Việt Nam”, ông Lộc nhìn nhận,

Để tạo bước đột phá, thực sự thúc đẩy phát triển mạnh mẽ khu vực kinh tế tư nhân trong nước, và kết nối được khu vực này với các chuỗi giá trị toàn cầu, VCCI đã đề nghị Chính phủ thực thi một số giải pháp.

Trong đó, có việc trình được ra Quốc hội dự luật một luật sửa nhiều luật liên quan đến môi trường đầu tư kinh doanh, ngay trong kỳ họp tới.

Ông Lộc cũng đề nghị Chính phủ trình Quốc hội ban hành luật sửa đổi Bộ luật Lao động hiện hành, theo hướng sửa đổi các quy định về thời gian làm thêm một cách linh hoạt, trên cơ sở thỏa thuận giữa người lao động và người sử dụng lao động, điều chỉnh các chính sách về tiền lương, bảo hiểm xã hội cho phù hợp, bảo đảm sức cạnh tranh của nền kinh tế...