09:55 23/12/2014

“Chưa có cơ sở để Mặt trận Tổ quốc giám sát Đảng”

Nguyễn Lê

Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận dự thảo Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (sửa đổi)

Mặt trận Tổ quốc Việt Nam góp ý xây dựng Đảng, giám sát hoạt động của tổ chức Đảng, đảng viên và phản biện xã hội đối với đường lối, chính sách của Đảng là vấn đề lớn còn có ý kiến khác nhau trong quá trình hoàn thiện dự thảo Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (sửa đổi) - Ảnh: ĐĐK.<br>
Mặt trận Tổ quốc Việt Nam góp ý xây dựng Đảng, giám sát hoạt động của tổ chức Đảng, đảng viên và phản biện xã hội đối với đường lối, chính sách của Đảng là vấn đề lớn còn có ý kiến khác nhau trong quá trình hoàn thiện dự thảo Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (sửa đổi) - Ảnh: ĐĐK.<br>
Mặt trận Tổ quốc Việt Nam giám sát Đảng là cụ thể hóa một bước cơ chế Đảng “chịu sự giám sát của nhân dân” được quy định tại điều 4 của Hiến pháp, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, chiều 22/12.

Mặt trận Tổ quốc Việt Nam góp ý xây dựng Đảng, giám sát hoạt động của tổ chức Đảng, đảng viên và phản biện xã hội đối với đường lối, chính sách của Đảng là vấn đề lớn còn có ý kiến khác nhau trong quá trình hoàn thiện dự thảo Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (sửa đổi).

Loại ý kiến thứ nhất cho rằng, cần thiết phải quy định vấn đề này trong dự thảo luật.

Bởi vì, cương lĩnh của Đảng đã xác định Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể nhân dân có trách nhiệm “tham gia xây dựng Đảng, Nhà nước” và Đảng, Nhà nước phải “có cơ chế, chính sách, tạo điều kiện để Mặt trận và các đoàn thể nhân dân hoạt động có hiệu quả, thực hiện vai trò giám sát và phản biện xã hội”.

Quy chế giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội và quy định về Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể chính trị - xã hội và nhân dân tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền đang được các cơ quan trong hệ thống Đảng, Nhà nước và các đoàn thể nhân dân triển khai thực hiện từ Trung ương tới cơ sở.

Mặt khác, thể chế hóa cương lĩnh của Đảng, Hiến pháp cũng quy định Mặt trận Tổ quốc Việt Nam có trách nhiệm “tham gia xây dựng Đảng”, Chủ nhiệm Phan Trung Lý nêu ý kiến.

Loại ý kiến thứ hai tán thành dự thảo luật không quy định vấn đề này, vì không phù hợp với nguyên tắc Đảng “lãnh đạo Mặt trận Tổ quốc Việt Nam” được quy định tại điều 4 của dự thảo luật. Mặt khác, vấn đề này đã được quy định trong các văn bản của Đảng.

Thường trực Ủy ban Pháp luật tán thành với loại ý kiến thứ nhất. Song, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân đề nghị không nên quy định Mặt trận Tổ quốc Việt Nam giám sát hoạt động của tổ chức Đảng, đảng viên, vì chưa có cơ sở để thực hiện.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng tán thành với ý kiến của ông Nguyễn Thiện Nhân.

Liên quan đến hoạt động phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc, bên cạnh  quan điểm cho rằng Mặt trận cần phản biện tất cả các văn bản thì ý kiến khác đề nghị chỉ phản biện đối với những vấn đề có ảnh hưởng sâu sắc đến nhân dân, đến sự phát triển của đất nước, đến quyền, nghĩa vụ của người dân; về đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; về các chương trình, dự án lớn, quan trọng quốc gia.

Theo Thường trực Uỷ ban Pháp luật, quy chế giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận và các đoàn thể do Bộ Chính trị ban hành đã chỉ rõ đối tượng phản biện xã hội là dự thảo các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, còn đối tượng của giám sát là chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật hiện hành của Nhà nước.

Như vậy, đối tượng giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận đã bao quát hết chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đang ở trong giai đoạn dự thảo, cũng như đang ở trong quá trình tổ chức thực hiện.

Dự thảo luật đã đi theo hướng đó là phù hợp với chủ trương của Đảng và thực tiễn hoạt động của Mặt trận trong thời gian qua, Chủ nhiệm Phan Trung Lý nhấn mạnh.