Chuyên gia Fulbright “bắt mạch” nợ công
Liệu Chính phủ có thể làm gì để xì hơi các quả bong bóng nợ công này kịp thời?
Giám đốc Chương trình giảng dạy Fulbright đề cập nguy cơ nợ công vượt trần (65% GDP), nhưng Phó chủ tịch Uỷ ban Giám sát tài chính Quốc gia cho rằng đó chưa phải ngưỡng tối ưu.
Tại diễn đàn do Viện Kinh tế Việt Nam và Viện Nghiên cứu phát triển Việt Nam tổ chức ngày 12/10, TS. Nguyễn Xuân Thành, Giám đốc Chương trình Giảng dạy kinh tế Fulbright cùng tác giả Đỗ Thiên Anh Tuấn đã “bắt mạch” nợ công.
Nợ tương đương 62,2% thu nhập
Theo hai vị, thời gian qua Chính phủ đã có các cam kết mạnh mẽ nhằm cắt giảm bội chi ngân sách và kiểm soát gia tăng nợ công quá mức có nguy cơ vượt trần cho phép vào cuối năm nay.
Điều này một mặt thể hiện sự quyết liệt của Chính phủ nhằm kiểm soát bằng được nợ công ở giới hạn an toàn, nhưng mặt khác cũng cho thấy nợ công đang ở mức cao không thể xem nhẹ.
Tuy nhiên thực tế kết quả đạt được lại không như mong đợi, các chuyên gia Fulbright nhìn nhận.
Phân tích bối cảnh, TS. Nguyễn Xuân Thành nói, Việt Nam bắt đầu bước sang giai đoạn dân số già từ năm 2015 với mức thu nhập xấp xỉ 2.110 USD, nhưng mỗi người dân Việt Nam đã phải gánh hơn 1.300 USD nợ công, tương đương 62,2% thu nhập.
Trong khi đó, rất nhiều nước có thu nhập cao hơn nhiều so với Việt Nam như Brunei, Malaysia, Indonesia, Philippines… nhưng lại có cơ cấu dân số trẻ hơn Việt Nam. Các nước như Ấn Độ, Campuchia, Lào có thu nhập thấp hơn Việt Nam nhưng lại có dân số trẻ hơn trong khi người dân ở những nước này lại không phải gánh nợ công quá nhiều như người dân Việt Nam.
Phân tích của hai vị chuyên gia cho thấy, ở “độ tuổi” của Việt Nam thì lẽ ra đã phải đạt thu nhập tương đương Malaysia, tức khoảng xấp xỉ 10.000 USD. Tuy nhiên thực tế Việt Nam mới chỉ đạt mức thu nhập bằng 1/5 của Malaysia.
Ông Thành nhấn mạnh, bối cảnh này cho thấy rằng Việt Nam không thể tiếp tục trì hoãn cải cách hay chậm chạp trong nỗ lực kiểm soát nợ công của mình trước khi dân số chuyển sang giai đoạn già hóa nhanh hơn.
“Việt Nam sẽ ở vào giai đoạn dân số già trong vòng 17 năm nữa. Tình trạng này chắc chắn sẽ đặt ra rất nhiều thách thức cho Chính phủ trong việc thực hiện các chính sách an sinh xã hội cũng như chính sách hưu trí cho người dân”, ông Thành nói.
Thực tế không như cam kết
Đặt câu hỏi bao giờ người Việt Nam mới được hưởng thành quả của tăng trưởng và có được một cuộc sống không có nợ nần, ông Thành cho rằng câu trả lời bắt đầu bằng những cải cách thực chất, và kiểm soát được nợ công ở mức cam kết là một trong những chỉ báo cho thấy điều đó.
Thế nhưng, phân tích của hai chuyên gia lại cho thấy thực tế không như cam kết.
Ông Thành phân tích, trong chiến lược quản lý nợ công cũng như trong chiến lược tài chính đến năm 2020 được ban hành từ năm 2012, Chính phủ đưa ra mức trần bội chi ngân sách cho năm 2015 là 4,5% GDP, sau đó giảm tiếp về mức 4% GDP cho giai đoạn 2016-2020.
Nhưng thực tế thâm hụt ngân sách năm 2015 theo báo cáo của Chính phủ đã lên đến 6,11% GDP, chưa kể hai năm liền trước 2013 và 2014, thâm hụt ngân sách cũng ở mức rất cao, lần lượt là 6,6% và 6,61% GDP.
Và, điều đáng nói là những con số bội chi ngân sách này không những đã vượt trần bội chi do Chính phủ tự cam kết mà còn vượt trần bội chi do Quốc hội giới hạn.
Tương tự, nợ Chính phủ cuối năm 2015 đã đạt 50,3% GDP, tức cũng vượt trần cho phép. Còn đối với nợ chính phủ bảo lãnh, tình trạng nhiều tập đoàn, tổng công ty Nhà nước vay nợ nhưng đến hạn không trả được nợ khiến Chính phủ phải đứng ra trả thay cũng là một nguyên nhân gây căng thẳng ngân sách và sức ép lên nợ công.
Trong khi đó, nợ chính quyền địa phương theo thống kê chỉ chiếm một phần rất nhỏ trong cơ cấu nợ công và có vẻ như không đáng quan ngại.
Thế nhưng, theo sự “bắt mạch” của hai chuyên gì thì điều này “có vẻ” đang khiến cho nhiều người nhầm tưởng rằng chính quyền địa phương không phải là tác nhân gây ra nợ công và do đó thiếu sự sự tập trung trong chính sách quản lý nợ công.
Trong một tính toán của mình vào năm 2015, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng tỷ lệ nợ công vào cuối năm 2014 đã lên đến 66,4% GDP, tức có nghĩa là đã vượt trần nợ công cho phép là 65% GDP, ông Thành cho biết.
Theo ông Thành và ông Tuấn, tình hình khó khăn ngân sách cho thấy Chính phủ đã buộc phải đi vay để trả nợ cũ. Trừ phần nợ lãi tăng thêm, đảo nợ gốc không làm gia tăng tổng nợ công. “Tuy nhiên, chúng ta không thể nhìn vào con số tổng để lạc quan là nợ công không có rủi ro bởi vì chính bản chất của hành vi đảo nợ đã cho thấy con nợ đang gặp tình trạng khó khăn tài chính và đã không tự tạo ra được dòng tiền để trả nợ”, ông Thành phân tích.
Giám đốc Fulbright cũng nhấn mạnh, điều lo ngại nhất hiện nay là không rõ quả bong bóng nào trong số những quả bong bóng nợ công (nợ Chính phủ, nợ chính phủ bảo lãnh, nợ trong nước, nợ nước ngoài...) sẽ nổ trước. Liệu Chính phủ có thể làm gì để xì hơi các quả bong bóng nợ công này kịp thời?
Đăng đàn ngay sau ông Thành, Phó chủ tịch Uỷ ban Giám sát tài chính Quốc gia Trương Văn Phước bình luận, 65% GDP là ngưỡng quan trọng nhưng đó không phải là ngưỡng tối ưu và theo nghiên cứu của ông thì có thể còn cao hơn nhiều.
Ông Phước cũng lưu ý đến việc không để ngưỡng nợ công 65% GDP “bắt làm con tin”.
Tại diễn đàn do Viện Kinh tế Việt Nam và Viện Nghiên cứu phát triển Việt Nam tổ chức ngày 12/10, TS. Nguyễn Xuân Thành, Giám đốc Chương trình Giảng dạy kinh tế Fulbright cùng tác giả Đỗ Thiên Anh Tuấn đã “bắt mạch” nợ công.
Nợ tương đương 62,2% thu nhập
Theo hai vị, thời gian qua Chính phủ đã có các cam kết mạnh mẽ nhằm cắt giảm bội chi ngân sách và kiểm soát gia tăng nợ công quá mức có nguy cơ vượt trần cho phép vào cuối năm nay.
Điều này một mặt thể hiện sự quyết liệt của Chính phủ nhằm kiểm soát bằng được nợ công ở giới hạn an toàn, nhưng mặt khác cũng cho thấy nợ công đang ở mức cao không thể xem nhẹ.
Tuy nhiên thực tế kết quả đạt được lại không như mong đợi, các chuyên gia Fulbright nhìn nhận.
Phân tích bối cảnh, TS. Nguyễn Xuân Thành nói, Việt Nam bắt đầu bước sang giai đoạn dân số già từ năm 2015 với mức thu nhập xấp xỉ 2.110 USD, nhưng mỗi người dân Việt Nam đã phải gánh hơn 1.300 USD nợ công, tương đương 62,2% thu nhập.
Trong khi đó, rất nhiều nước có thu nhập cao hơn nhiều so với Việt Nam như Brunei, Malaysia, Indonesia, Philippines… nhưng lại có cơ cấu dân số trẻ hơn Việt Nam. Các nước như Ấn Độ, Campuchia, Lào có thu nhập thấp hơn Việt Nam nhưng lại có dân số trẻ hơn trong khi người dân ở những nước này lại không phải gánh nợ công quá nhiều như người dân Việt Nam.
Phân tích của hai vị chuyên gia cho thấy, ở “độ tuổi” của Việt Nam thì lẽ ra đã phải đạt thu nhập tương đương Malaysia, tức khoảng xấp xỉ 10.000 USD. Tuy nhiên thực tế Việt Nam mới chỉ đạt mức thu nhập bằng 1/5 của Malaysia.
Ông Thành nhấn mạnh, bối cảnh này cho thấy rằng Việt Nam không thể tiếp tục trì hoãn cải cách hay chậm chạp trong nỗ lực kiểm soát nợ công của mình trước khi dân số chuyển sang giai đoạn già hóa nhanh hơn.
“Việt Nam sẽ ở vào giai đoạn dân số già trong vòng 17 năm nữa. Tình trạng này chắc chắn sẽ đặt ra rất nhiều thách thức cho Chính phủ trong việc thực hiện các chính sách an sinh xã hội cũng như chính sách hưu trí cho người dân”, ông Thành nói.
Thực tế không như cam kết
Đặt câu hỏi bao giờ người Việt Nam mới được hưởng thành quả của tăng trưởng và có được một cuộc sống không có nợ nần, ông Thành cho rằng câu trả lời bắt đầu bằng những cải cách thực chất, và kiểm soát được nợ công ở mức cam kết là một trong những chỉ báo cho thấy điều đó.
Thế nhưng, phân tích của hai chuyên gia lại cho thấy thực tế không như cam kết.
Ông Thành phân tích, trong chiến lược quản lý nợ công cũng như trong chiến lược tài chính đến năm 2020 được ban hành từ năm 2012, Chính phủ đưa ra mức trần bội chi ngân sách cho năm 2015 là 4,5% GDP, sau đó giảm tiếp về mức 4% GDP cho giai đoạn 2016-2020.
Nhưng thực tế thâm hụt ngân sách năm 2015 theo báo cáo của Chính phủ đã lên đến 6,11% GDP, chưa kể hai năm liền trước 2013 và 2014, thâm hụt ngân sách cũng ở mức rất cao, lần lượt là 6,6% và 6,61% GDP.
Và, điều đáng nói là những con số bội chi ngân sách này không những đã vượt trần bội chi do Chính phủ tự cam kết mà còn vượt trần bội chi do Quốc hội giới hạn.
Tương tự, nợ Chính phủ cuối năm 2015 đã đạt 50,3% GDP, tức cũng vượt trần cho phép. Còn đối với nợ chính phủ bảo lãnh, tình trạng nhiều tập đoàn, tổng công ty Nhà nước vay nợ nhưng đến hạn không trả được nợ khiến Chính phủ phải đứng ra trả thay cũng là một nguyên nhân gây căng thẳng ngân sách và sức ép lên nợ công.
Trong khi đó, nợ chính quyền địa phương theo thống kê chỉ chiếm một phần rất nhỏ trong cơ cấu nợ công và có vẻ như không đáng quan ngại.
Thế nhưng, theo sự “bắt mạch” của hai chuyên gì thì điều này “có vẻ” đang khiến cho nhiều người nhầm tưởng rằng chính quyền địa phương không phải là tác nhân gây ra nợ công và do đó thiếu sự sự tập trung trong chính sách quản lý nợ công.
Trong một tính toán của mình vào năm 2015, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng tỷ lệ nợ công vào cuối năm 2014 đã lên đến 66,4% GDP, tức có nghĩa là đã vượt trần nợ công cho phép là 65% GDP, ông Thành cho biết.
Theo ông Thành và ông Tuấn, tình hình khó khăn ngân sách cho thấy Chính phủ đã buộc phải đi vay để trả nợ cũ. Trừ phần nợ lãi tăng thêm, đảo nợ gốc không làm gia tăng tổng nợ công. “Tuy nhiên, chúng ta không thể nhìn vào con số tổng để lạc quan là nợ công không có rủi ro bởi vì chính bản chất của hành vi đảo nợ đã cho thấy con nợ đang gặp tình trạng khó khăn tài chính và đã không tự tạo ra được dòng tiền để trả nợ”, ông Thành phân tích.
Giám đốc Fulbright cũng nhấn mạnh, điều lo ngại nhất hiện nay là không rõ quả bong bóng nào trong số những quả bong bóng nợ công (nợ Chính phủ, nợ chính phủ bảo lãnh, nợ trong nước, nợ nước ngoài...) sẽ nổ trước. Liệu Chính phủ có thể làm gì để xì hơi các quả bong bóng nợ công này kịp thời?
Đăng đàn ngay sau ông Thành, Phó chủ tịch Uỷ ban Giám sát tài chính Quốc gia Trương Văn Phước bình luận, 65% GDP là ngưỡng quan trọng nhưng đó không phải là ngưỡng tối ưu và theo nghiên cứu của ông thì có thể còn cao hơn nhiều.
Ông Phước cũng lưu ý đến việc không để ngưỡng nợ công 65% GDP “bắt làm con tin”.