15:12 13/05/2015

“Cỗ xe trưng cầu ý dân cứ kéo vào rồi lại kéo ra”

Nguyên Vũ

Dù đã xem xét lần hai nhưng dự thảo Luật Trưng cầu dân ý vẫn còn có không ít ý kiến khác nhau

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng.
“Cỗ xe trưng cầu ý dân cứ kéo vào rồi lại kéo ra, mấy nhiệm kỳ rồi, nhưng lần này Hiến pháp đã quy định rồi thì Quốc hội phải làm cho được”, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nói khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Trưng cầu dân ý, chiều 12/5.

Dù đã xem xét lần hai nhưng dự thảo Luật Trưng cầu dân ý vẫn còn có không ít ý kiến khác nhau.

Có những việc không thể trưng cầu


Theo tờ trình dự án luật thì với những vấn đề đề nghị trưng cầu ý dân, đa số ý kiến đề nghị chỉ quy định về mặt nguyên tắc, khái quát những vấn đề nào được đề nghị để Quốc hội quyết định và vấn đề nào ra trưng cầu ý dân, nếu quy định quá cụ thể, có thể sẽ không bao quát hết được.

Nhưng cũng có những ý kiến khác cho rằng phải liệt kê những vấn đề cần đưa ra trưng cầu ý dân.

Về chủ thể có quyền đề nghị trưng cầu ý dân - vấn đề từng gây nhiều tranh cãi - bên cạnh phương án một gồm Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ hoặc ít nhất 1/3 tổng số đại biểu Quốc hội, phương án hai đã bổ sung hai chủ thể là Thủ tướng và Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Ksor Phước nhấn mạnh, có một số vấn đề "dứt khoát không đưa ra trưng cầu ý dân".

"Tôi cũng không biết là có việc gì Quốc hội không làm được mà phải đưa ra trưng cầu ý dân. Luật nên viết rõ là những việc Quốc hội chưa thể quyết định được hoặc muốn nghe ý kiến nhân dân để chắc chắn hơn về quyết định của mình, thì mới đưa ra trưng cầu ý dân", ông Ksor Phước nói.

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Phùng Quốc Hiển cũng đồng tình là những vấn đề liên quan đến toàn vẹn lãnh thổ và vai trò lãnh đạo của Đảng của nhất định không trưng cầu ý dân.

Chỉ những vấn đề thuộc thẩm quyền của mình mà Quốc hội không quyết được mới trưng cầu ý dân, và đã trưng cầu ý dân thì Quốc hội phải theo ý dân, ông Hiển góp ý.

Đã trưng cầu thì do dân quyết


Đại diện ban soạn thảo cho biết, dự thảo luật xây dựng trên cơ sở kết quả cuộc trưng cầu ý dân có giá trị quyết định. Do đó, kết quả cuộc trưng cầu ý dân phải đảm bảo số lượng cử tri nhất định theo công thức “quá bán kép”.

Cụ thể là: “Cuộc trưng cầu ý dân hợp lệ phải được quá nửa tổng số cử tri có tên trong danh sách cử tri đi bỏ phiếu. Phương án trưng cầu ý dân được quá nửa số phiếu hợp lệ tán thành được công bố để thi hành”.

Một số ý kiến đề nghị, Hiến pháp là đạo luật đặc biệt quan trọng, do đó, ngoài quy định chung như trên thì cần quy định trong trường hợp trưng cầu ý dân về Hiến pháp thì cuộc trưng cầu ý dân hợp lệ phải được quá hai phần ba tổng số cử tri có tên trong danh sách cử tri đi bỏ phiếu và phương án được quá hai phần ba số phiếu hợp lệ tán thành được công bố để thi hành.

"Quốc hội tôn trọng quyền của nhân dân bầu mình hơn chính mình, thì mới trưng cầu ý dân", Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng tham gia thảo luận.

Theo ông, đưa ra trưng cầu những vấn đề thuộc thẩm quyền của Quốc hội, nhưng Quốc hội thấy dứt khoát phải để dân quyết định chứ Quốc hội không quyết định và việc đã trưng cầu ý dân là do dân quyết định.

Điều được Chủ tịch Quốc hội lưu ý là đã đưa ra trưng cầu ý dân thì phải thuyết trình thật rõ để nhân dân hiểu Quốc hội muốn trưng cầu ý dân về việc gì, nhân dân sẽ thể hiện ý chí đơn giản là "đồng ý" hay "không đồng ý", gật hoặc lắc, một cách minh bạch. 

Gói lại phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu yêu cầu ghi rõ trong dự thảo luật: ý kiến của dân là quyết định, dân đã quyết là thực hiện, không làm lại.

Đây cũng là quan điểm được ông Lưu bảo vệ đến cùng ở phiên thảo luận trước của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về dự án Luật Trưng cầu dân ý.