00:22 20/10/2014

Cử tri muốn hiểu đầy đủ hơn tình hình biển Đông

Nguyễn Lê

Thấy gì từ hơn 3.700 ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân cả nước gửi tới Quốc hội tại kỳ họp thứ 8?

Tình hình biển Đông tiếp tục là một trong những mối quan tâm lớn của cử tri cả nước - Ảnh: Trung Hiếu.
Tình hình biển Đông tiếp tục là một trong những mối quan tâm lớn của cử tri cả nước - Ảnh: Trung Hiếu.
Cử tri và nhân dân tiếp tục quan tâm đến tình hình biển Đông và mong muốn hiểu đầy đủ về tình hình biển Đông, báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân cả nước tại kỳ họp thứ 8 của Quốc hội phản ánh.

3.729 là số ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân cả nước gửi tới Quốc hội tại kỳ họp này, tuy nhiên phần tổng hợp lại khá chung chung, na ná như các kỳ họp trước.

Báo cáo nêu rõ, nhân dân tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, sự điều hành của Chính phủ, chất lượng và hiệu quả hoạt động của Quốc hội.

Tiếp tục quan tâm đến tình hình biển Đông, cử tri mong muốn hiểu đầy đủ về tình hình, từ đó nâng cao ý thức trách nhiệm và tinh thần đoàn kết, quyết tâm bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc, báo cáo nêu rõ.

Nhân dân cũng mong muốn Nhà nước có chính sách ưu đãi hơn nữa đối với ngư dân, đồng thời tăng cường các biện pháp đấu tranh, kiên quyết, ngăn chặn không để các tàu của nước ngoài đe dọa, thu giữ trái phép ngư cụ, đập phá thiết bị  hành nghề của ngư dân hoạt động đánh bắt hải sản trong ngư trường truyền thống của Việt Nam, gây hoang mang cho ngư dân thời gian qua.

Theo chương trình kỳ họp thứ 8 đã được Quốc hội thông qua, chiều 25/10, Quốc hội sẽ nghe Phó thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh trình bày báo cáo về tình hình biển Đông, trong một phiên họp riêng.

Bên cạnh tình hình biển Đông, cử tri cũng còn nhiều băn khoăn lo lắng về nền kinh tế phát triển chưa bền vững, tái cơ cấu kinh tế, cải cách thể chế còn chậm, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cho biết.

Và, vẫn như rất nhiều kỳ họp trước, cử tri bày tỏ nhiều bức xúc trước tình hình tham nhũng vẫn diễn biến phức tạp, xảy ra ở nhiều lĩnh vực, nhiều cấp.

Theo cử tri, tình trạng tham nhũng “vặt” trong khu vực công vẫn diễn ra phổ biến, biểu hiện qua nạn hối lộ trong lĩnh vực hành chính, dịch vụ công, lót tay chạy chọt để được việc khi giao dịch với cơ quan công quyền.

Nhân dân cũng chỉ ra nhiều hạn chế trong công tác phòng chống tham nhũng chậm được khắc phục, như kê khai tài sản mang tính hình thức. Trong số hơn 944 nghìn trường hợp đã kê khai năm 2103, chỉ có duy nhất một người bị xử lý kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo do kê khai không trung thực.

Bên cạnh đó, một số giải pháp phòng ngừa tham nhũng hiệu quả thấp cũng khiến nhân dân lo ngại. Số người đứng đầu bị xử lý trách nhiệm chưa tương xứng với số vụ tham nhũng được phát hiện, xử lý…

Trong số những vấn đề cử tri và nhân dân tiếp tục kiến nghị, báo cáo đề cập tình trạng nợ công tăng nhanh, khiếu nại tố cáo diễn ra phức tạp, khai thác cát sỏi trái phép gây hậu quả nghiêm trọng ở nhiều nơi…

Đây đều là những vấn đề đã được nêu tại các kỳ họp trước của Quốc hội, cần được tiếp tục giải quyết và báo cáo kết quả giải quyết rõ hơn với cử tri.