10:46 01/03/2011

Đến ngày 3/3, sẽ có thêm 1.000 lao động tại Libya về nước

Theo kế hoạch, đến ngày 3/3, sẽ có thêm 1.000 lao động làm việc tại Libya trở về nước

Niềm vui của người lao động khi đặt chân xuống sân bay quốc tế Nội Bài - Ảnh: Chinhphu.vn
Niềm vui của người lao động khi đặt chân xuống sân bay quốc tế Nội Bài - Ảnh: Chinhphu.vn
Theo kế hoạch, đến ngày 3/3, sẽ có thêm 1.000 lao động làm việc tại Libya trở về nước, đưa tổng số lao động rời khỏi Libya lên 2.000 người.

Tìm mọi biện pháp để đưa lao động Việt Nam về nước

Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, đồng thời là Phó Ban chỉ đạo giải quyết tình hình công dân Việt Nam tại Trung Đông và Bắc Phi Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết, tối 28/2 sẽ có 3 đoàn công tác hỗn hợp đến Ai Cập, Tunisia và Thổ Nhĩ Kỳ.

Đặc biệt, chuyến bay sang Ai Cập sẽ mang theo 8 tấn lương thực, thực phẩm (chủ yếu là đồ ăn sẵn) để hỗ trợ những người đang bị đói. Sau khi hàng cứu trợ tới sân bay Cairo (Ai Cập) sẽ được chở tới khu vực biên giới, nơi hàng ngàn người lao động Việt Nam từ Libya sang chờ quá cảnh.

Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết: "Đoàn công tác qua Ai Cập sẽ nắm tình hình, có thể thuê tàu, thậm chí có thể thuê cả máy bay quân sự đáp xuống Tripoli của Libya để đưa lao động sang Tunisia, Ai Cập".

Ông Nguyễn Lương Trào, Chủ tịch Hiệp hội Xuất khẩu lao động Việt Nam cũng cho biết, hiện ở Libya đang có khoảng 500 lao động đang không có phương tiện di chuyển khỏi Libya. Do đó, bên cạnh sử dụng chuyên cơ sang sẽ phải thuê thêm tàu thủy để đưa lao động Việt Nam sang các nước thứ ba.

Theo ông Nguyễn Ngọc Quỳnh, Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước, đến chiều 28/2, đã có 931 lao động Việt Nam trở về tới Việt Nam và thêm 40 lao động trở về trước ngày 1/3. Theo kế hoạch, đến ngày 3/3, sẽ có thêm 1.000 lao động nữa trở về nước, đưa tổng số lao động trở về nước lên 2.000 người. Hiện, còn khoảng 4.000 lao động kẹt lại ở Lybia.

Như vậy, đã có hơn 6.000 trên tổng số hơn 10.000 lao động Việt Nam làm việc tại Lybia được di tản an toàn.

Không để người lao động thiệt thòi

Liên quan tới việc các lao động phải trở về nước sớm, không lo liệu được khoản nợ đã vay lên đến 40 – 50 triệu đồng để đóng phí đi xuất khẩu lao động, Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước cho biết, trước mắt, Quỹ hỗ trợ việc làm ngoài nước sẽ hỗ trợ mỗi lao động 1 triệu đồng. Sau khi toàn bộ lao động về nước, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội sẽ căn cứ mức độ thiệt hại để hỗ trợ thêm.

Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh, việc giải quyết hỗ trợ cụ thể sẽ giải quyết theo tinh thần không để lao động thiệt thòi, đặc biệt là lao động vừa mới sang Lybia phải trở về, chưa có thu nhập.

Giám đốc Trung tâm Xuất khẩu lao động và Thương mại Airserco Nguyễn Xuân Vui cho biết, theo quy định của Quỹ hỗ trợ việc làm ngoài nước, mỗi lần hỗ trợ tối đa cho lao động phải về nước trước thời hạn do rủi ro không thuộc lỗi của người lao động là 5 triệu đồng/lần.

Ông Đoàn Đại Thành, Giám đốc Công ty Sona cho biết, với những lao động trở về sau thời gian ngắn ở Lybia sẽ được Công ty hoàn trả phí dịch vụ (mỗi năm làm việc thu 1 tháng lương cơ bản khoảng 220 - 250 USD). Ông Thành cho biết, những lao động trở về sau 1/2 thời gian làm việc, sẽ được Công ty hỗ trợ 1/2 số lương của thời gian làm việc còn lại.

Bên cạnh đó, sau khi về nước, nếu lao động có nguyện vọng tiếp tục đi làm việc tại nước ngoài, các công ty sẽ tạo điều kiện tốt nhất để đưa người lao động sang thị trường khác.

Thu Cúc (Chinhphu.vn)