10:21 23/12/2015

Đi tìm các quy định pháp luật tốt nhất và tồi nhất Việt Nam

Nguyên Vũ

Ai cũng có quyền đề cử các quy định, nhưng đối tượng bình chọn chính sẽ là các hiệp hội doanh nghiệp

Tại hội thảo khởi động cuộc bình chọn các quy định pháp luật tốt nhất và tồi nhất do VCCI tổ chức, sáng 22/12.
Tại hội thảo khởi động cuộc bình chọn các quy định pháp luật tốt nhất và tồi nhất do VCCI tổ chức, sáng 22/12.
Phần đông các bộ trưởng không quan tâm đến cải cách thể chế, trong khi đó là công việc hàng đầu của họ, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) Nguyễn Đình Cung nhận xét như vậy, tại hội thảo khởi động cuộc bình chọn các quy định pháp luật tốt nhất và tồi nhất do VCCI tổ chức, sáng 22/12,

Theo ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế - Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) thì hiện nay vẫn còn không ít quy định cản trở hoạt động của doanh nghiệp, thậm chí có quy định có thể quyết định sự sống còn của doanh nghiệp.

Cuộc bình chọn này, do đó, được kỳ vọng sẽ tạo ra cái phanh để các nhà hoạch định chính sách e ngại, chần chừ nếu đưa ra chính sách xấu.

Ai cũng được đề cử


Các tiêu chí được VCCI dự kiến gồm: sự cần thiết ban hành, tính hợp lý, tính thống nhất, tính khả thi, tính minh bạch, chi phí tuân thủ, quyền tự do kinh doanh, môi trường cạnh tranh, kiểm soát nguy cơ nhũng nhiễu và thời điểm ban hành/có hiệu lực.

Dự kiến từ VCCI là tất cả mọi cá nhân, tổ chức, cơ quan đều có quyền đề cử các quy định, nhưng đối tượng bình chọn chính sẽ là các hiệp hội doanh nghiệp.

Thời gian dự kiến ngày 22/1/2016 sẽ kết thúc đề cử, ngày 18/2/2016 đưa ra danh sách 30 quy định tồi/tốt nhất, và đến tháng 4/2016 thì công bố kết quả.

Ủng hộ rất cao ý tưởng này, Viện trưởng CIEM Nguyễn Đình Cung nhấn mạnh rằng, văn bản pháp luật của Việt Nam cơ bản là tồi, nếu so với tiêu chuẩn của OECD nên tìm 10 cái tồi thì rất dễ.

Theo nhận xét của ông Cung thì hiện nay nhiều chính sách hoàn toàn không có cơ sở khoa học nào mà chỉ dựa trên mong muốn chủ quan mà ban hành, đôi khi là vì lợi ích của ai đó.

Một ví dụ được ông Cung nêu là quy định về điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo hiện nay, doanh nghiệp phải có kho chứa đủ được số lượng theo quy định thì mới được tham gia lĩnh vực này.

Quy định này chẳng có chút cơ sở nào, làm méo mó thị trường và chỉ bảo vệ lợi ích cho một nhóm nào đó, trong kinh doanh phải tính toán để hạn chế chi phí thì đằng này lại đặt ra điều kiện để tăng chi phí, ông Cung bình luận.

Cái tồi dễ tìm thấy, theo ông Cung còn ở chỗ hiện nay tổ chức thực hiện chính sách theo hình phễu, tất cả đều tôn trọng công văn điều hành hay thông tư nhiều hơn cả tôn trọng luật gốc...

“Nhiệm vụ hàng đầu của bộ trưởng phải là cải cách thể chế”

Ông Cung khái quát, đã 30 năm đổi mới nhưng tư duy kế hoạch hoá tập trung và hành chính điều hành vẫn chi phối trong thực hiện chức năng quản lý nhà nước thể hiện qua nội dung các văn bản cụ thể.

“Phần đông các bộ trưởng dường như không quan tâm đến cải cách thể chế, nâng cao chất lượng văn bản pháp luật, họ dành thời gian công sức cho việc khác. Trong khi, theo tôi, nhiệm vụ hàng đầu của bộ trưởng phải là cải cách thể chế”, ông Cung nói.

Vẫn theo Viện trưởng Cung, “tư duy các bộ trưởng chưa thay đổi, kể cả học ở Anh, Mỹ, Úc…, khi về dường như họ quên hết những thứ đã học. Vào vị trí đó họ đã quên hết. Nếu họ quan tâm, hoàn toàn có cửa vận dụng, chúng tôi cũng cùng học với họ và thấy có thể vận dụng được, chỉ có điều không thấy họ vận dụng”.

Không hoàn toàn chung nhận xét phần lớn các văn bản pháp luật cơ bản là tồi như Viện trưởng Cung, song các ý kiến khác tại hội thảo đều cho rằng thật dễ dàng tìm được hàng chục, hàng trăm, thậm chí là nhiều hơn nữa các văn bản pháp luật tồi.

Các ý kiến tại hội thảo đều đánh giá rất cao ý tưởng bình chọn các quy định pháp luật tốt nhất và tồi nhất.

Ông Lê Hồng Sơn, nguyên Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật (Bộ Tư pháp) - người từng được mệnh danh là “ông cục trưởng tuýt còi” - cho rằng cần phải sục vào các bộ, tìm cho được các cơ chế trói buộc doanh nghiệp, tạo cơ chế đặc quyền độc quyền cho cơ quan quản lý ở các bộ.