14:57 09/03/2011

“Địa phương cũng tính được GDP thì... quá giỏi”

Anh Quân

Trưởng ban Thế chế kinh tế CIEM Lê Viết Thái cho rằng có 5 khiếm khuyết nổi bật trong việc lập kế hoạch tại các địa phương

Ông Lê Viết Thái - Ảnh: Anh Quân.
Ông Lê Viết Thái - Ảnh: Anh Quân.
Cho rằng công tác lập kế hoạch ở địa phương còn nhiều hạn chế, ông Lê Viết Thái, Trưởng ban Thế chế kinh tế của Viện Nghiên cứu và Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) chia sẻ với báo giới nhiều vấn đề bất cập trong lập kế hoạch hiện nay.

Ông nói:

- Khi đi qua các địa phương, tôi thấy một loạt chợ xây xong không ai đến. Khi đi qua những con đường được xây rất đẹp nhưng nếu chúng ta đứng đó thì mỗi ngày không biết có đến mấy chục chiếc xe chạy qua. Khi đi đến công trình bến cảng mà tỷ lệ sử dụng quá thấp. Đặc biệt là các khu công nghiệp, cụm công nghiệp xây xong tỷ lệ lấp đầy chỉ 20-30%...

Thì đấy, chính là xuất phát từ những kế hoạch không chuẩn, không đáp ứng được đúng nhu cầu.

5 khiếm khuyết nổi bật

Tức là ông cho rằng công tác xây dựng kế hoạch hiện nay ở nhiều địa phương còn nhiều hạn chế?

Hiệu quả hay không, tôi có thể khẳng định nó lệ thuộc vào từng cấp, từng địa phương. Có những địa phương khi đổi mới công tác kế hoạch nhận được ngay sự ủng hộ của người dân, họ chỉ cần đổi mới một cách rất đơn giản thôi.

Với các dự án đầu tư chẳng hạn, họ chỉ cần trưng cầu dân ý xem chúng ta nên xây cầu hay xây trường, xây trạm xá. Nếu xây chợ chỉ cần hỏi người dân có nên xây chợ hay không, xây ở chỗ nào thì lập tức hiệu quả cao hơn. Tức là, đổi mới công tác kế hoạch đã mang lại hiệu quả rất tích cực, ngay lập tức. Cái quan trọng là các cấp lãnh đạo có quyết tâm đổi mới hay không.

Nhưng vấn đề với chúng ta cho đến nay chưa đáp ứng được yêu cầu của đổi mới, chúng ta đã đạt được nhiều thành tích trong công tác kế hoạch nhưng đổi mới công tác này từ nền kinh tế tập trung sang nền kinh tế thị trường là điều cực kỳ khó và nó chưa có trong tiền lệ.

Một điểm cũng rất quan trọng là sự quan tâm đến vấn đề này của các cấp lãnh đạo cũng chưa đủ lớn. Mà một khi ở địa phương lãnh đạo không quan tâm đổi mới công tác kế hoạch thì việc này cực kỳ khó khăn.

Vậy theo ông, tại sao lãnh đạo địa phương chưa thực sự quan tâm?

Đây theo tôi nghĩ là cách tư duy, nhìn nhận về kế hoạch phát triển kinh tế xã hội ở các cấp lãnh đạo. Cho đến nay, do thói quen, nếp nghĩ luôn trông chờ sự hỗ trợ của cấp trên. Vì vậy, đối với kế hoạch hai nội dung địa phương quan tâm chỉ là ngân sách hỗ trợ từ cấp trên xuống là bao nhiêu, và được nhận những dự án nào từ cấp trên xuống.

Điều này cũng không phải không có nguyên nhân. Bởi vì, nguồn ngân sách của chúng ta, trên một nửa tập trung ở cấp trung ương, 3/4 địa phương đều thâm hụt ngân sách, thu không đủ chi. Quá trình phân cấp mới diễn ra trong vòng 5-6 năm nay, ở cấp địa phương một khi không có nguồn lực tài chính, thẩm quyền cũng không có nhiều, thành ra các giải pháp gần như cũng bị hạn chế. Vì vậy, có quan tâm đến đổi mới công tác kế hoạch cũng mới chỉ là đổi mới ở mức độ rất hạn chế nào đấy.

Tổng hợp lại, theo ông, có những điểm yếu nào của công tác lập kế hoạch hiện nay?

Kế hoạch phát triển kinh tế xã hội của Việt Nam có nhiều khiếm khuyết nhưng nổi bật nhất có 5 cái. Thứ nhất là về nội dung kế hoạch. Nội dung này chưa phản ánh đúng nhiệm vụ, vai trò của nhà nước ở cấp đấy. Có rất nhiều chỉ tiêu kinh tế, xã hội không phù hợp với nền kinh tế thị trường.

Trong các bản nội dung kế hoạch, chúng ta đều thấy bệnh hình thức, bệnh thành tích vẫn đang còn tương đối nhiều và độ khả thi cũng như độ tin cậy của các chỉ tiêu kế hoạch ấy không cao. Một khi cả nền kinh tế, tốc độ tăng trưởng chỉ 6-7% thì hầu hết ở các tỉnh đều có số liệu tăng trưởng trên 10%.

Bệnh thành tích năm sau phải cao hơn năm trước, hoặc tỉnh ta phải tốt hơn tỉnh bạn vẫn luôn luôn tồn tại trong đầu các nhà lãnh đạo, cũng như các cán bộ làm kế hoạch. Mặc dù các cán bộ này cũng hiểu vấn đề nhưng còn cố gắng làm thế nào điều chỉnh kế hoạch theo hướng như vậy.

Điểm yếu thứ hai trong kế hoạch phát triển kinh tế xã hội là quy trình lập kế hoạch. Trong quy trình lập, về mặt lý thuyết là vẫn theo cả hai chiều từ dưới đưa lên và từ trên chuyển xuống. Nhưng do thời gian quá ngắn nên huyện không bao giờ chờ được các xã nộp xong kế hoạch rồi mới tổng hợp, tỉnh cũng không chờ các huyện nộp kế hoạch xong mới tổng hợp và cuối cùng trên trung ương cũng không thể chờ các tỉnh nộp báo cáo mới tổng hợp.

Trong quy trình còn có một vấn đề nữa là sự công khai minh bạch, thu hút sự tham gia của tất cả các tầm lớp trong xã hội còn tương đối kém. Vấn đề này mới từ 6-7 năm nay, cấp Trung ương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã làm tương đối tốt, nhưng còn ở địa phương thì gần như mọi người không biết kế hoạch của địa phương mình như thế nào và cũng không có cơ hội để tham gia.

Điểm thứ ba là sự liên kết giữa nội dung kế hoạch với nguồn lực đang còn rất thiếu. Rất nhiều chỉ tiêu được đề ra nhưng nếu chúng ta hỏi nguồn lực thực thi từ đâu thì đều nhận được câu trả lời đang chờ trung ương. Tức là chúng ta lập ra một kế hoạch mà không có một nguồn lực.

Điểm thứ tư yếu trong kế hoạch chính là việc giám sát và đánh giá. Chúng ta lập ra kế hoạch như thế nhưng không thể thu thập được số liệu xem chúng ta đã đạt được kế hoạch đó hay chưa, đạt bao nhiêu phần trăm kế hoạch ấy… Nếu như đưa ra một chỉ tiêu mà không có kế hoạch đánh giá thì chỉ tiêu ấy không có ý nghĩa.

Và cuối cùng là điều kiện để đảm bảo cho việc lập kế hoạch đó. Bên cạnh dữ liệu như tôi vừa nói thì những vấn đề về trang thiết bị, mô hình dự báo, phân tích thực trạng cho việc lập kế hoạch… cũng đang còn rất thiếu…

Xã cũng tính GDP chứ không nói đến huyện

Ông có thể giải thích vì sao tại nhiều địa phương GDP luôn tăng hơn 10%, trong khi cả nước chỉ 6-7%?

Việc địa phương cũng tính được GDP thì đấy quả là cái... quá giỏi của các địa phương, bởi vì riêng việc tính GDP phải trừ đi những phần trùng lắp tương đối nhiều.

Thứ nhất là địa phương tính thì họ không loại trừ, thứ hai là nếu có muốn loại trừ cũng không có đủ khả năng để loại trừ. Tuy vậy, ngành thống kê địa phương vẫn bị sức ép từ chính quyền là phải tính bằng được GDP. Thậm chí có những xã cũng tính GDP chứ không nói đến huyện.

Chúng tôi có trao đổi, họ nói nếu không đưa ra con số GDP thì chúng tôi có chỉ tiêu nào để mà thể hiện chúng tôi có làm tốt hay không trong năm? Tôi nghĩ đó là câu hỏi hoàn toàn hợp lý. Nếu đề xuất thì tôi cho là các địa phương không cần tính GDP. Cấp xã hoàn toàn không có nhiệm vụ, có thẩm quyền để khuyến khích sản xuất kinh doanh, cấp huyện cũng vậy, thì đưa GDP vào làm gì!

Về GDP thì còn có thể chấp nhận được, nhưng các địa phương còn đưa cả con số về xuất khẩu, nhập khẩu nữa. Nếu mà chúng ta cộng tất cả lượng xuất khẩu của các tỉnh lại thì tôi dám chắc rằng chưa năm nào nó nhỏ hơn hai lần so với tổng xuất khẩu của cả nước.

Ví dụ xuất đi một chai bia thì tỉnh này làm ra vỏ chai, tỉnh kia làm nắp chai, tỉnh nọ đóng chai, số liệu ấy để tính toán xem mỗi anh góp bao nhiêu trong giá trị xuất khẩu chai bia là cực kỳ khó rồi. Mà chừng nào số liệu chưa được hệ thống hóa, chưa được chuẩn hóa thì lúc ấy việc phân tích, đánh giá, từ đó đưa ra các đề xuất đang còn gặp rất nhiều khó khăn.

Nghĩa là, với những con số không sát thực tế như thế thì việc xây dựng kế hoạch từ địa phương lên cũng sẽ không gắn với thực tế?

Vấn đề quan trọng với chúng ta là phải phân định ở các địa phương họ lên kế hoạch cái gì. Ví dụ cấp xã đừng lên kế hoạch bao nhiêu con trâu, bò, lợn, gà nhưng phải lên kế hoạch y tế dự phòng, tiềm chủng cho trẻ em, tỷ lệ khám thường xuyên cho người già, phụ nữ…

Đó là những việc họ có thể làm được. Chứ còn bao nhiêu trâu bò, bao nhiêu khoai sắn không cần thiết.

Vì vậy để công tác kế hoạch có ý nghĩa hơn thì phải xác định công tác kế hoạch cho từng cấp như thế nào, lập kế hoạch gì….

Đánh giá điều hành không nên chỉ dựa vào chỉ tiêu

Với những hạn chế như ông nói, trong khi chúng ta đang theo đuổi nền kinh tế thị trường thì việc xây dựng kế hoạch có còn giá trị?

Kế hoạch trong nền kinh tế thị trường vẫn còn rất giá trị. Từ kế hoạch đấy, nhà nước xác định rõ mình cần đưa ra định hướng gì, công cụ gì để hướng cả nền kinh tế và xã hội đến mục tiêu đấy…

Kế hoạch trong nền kinh tế thị trường, theo như ông nói là mang tính dự báo chứ không còn tính pháp lệnh như trước. Vậy sẽ có những khác biệt cơ bản gì?

Ví dụ chúng ta đề ra kế hoạch mục tiêu tăng trưởng 7%. Trong giai đoạn tới gặp nhiều khó khăn từ nền kinh tế thế giới thì 7% đấy đạt chưa chắc đã là tốt mà thậm chí chấp nhận chỉ đạt 6% nhưng ổn định vĩ mô, lạm phát không đên 8% thì là điều tốt.

Hoặc là, chúng ta đề ra kế hoạch xuất nông sản mấy tỷ USD, trong đó cà phê từng này. Nhưng mà năm đó, thiên tai, mất mùa hoặc giá thị trường thế giới thay đổi thì việc đạt chỉ tiêu ấy chưa chắc đã mang lại nhiều lợi ích cho người nông dân.

Chính vì vậy, kế hoạch trong nền kinh tế thị trường chỉ mang tính dự báo, định hướng. Trên cơ sở đó, doanh nghiệp và người dân biết là trong năm nhà nước có những chính sách này, biện pháp nọ để họ lập ra kế hoạch cho riêng mình một cách hợp lý và hiệu quả nhất.

Nếu vậy, chúng ta cũng không nên căn cứ vào các chỉ tiêu kế hoạch để đánh giá hiệu quả công tác điều hành?

Hoàn toàn không. Hoặc là không nên chỉ dựa vào các chỉ tiêu để đánh giá các cơ quan Chính phủ. Tại vì, trong kinh tế cũng như trong xa hội, các chỉ tiêu ràng buộc với nhau quá nhiều. Ví dụ tăng trưởng có tác động đến ổn định vĩ mô, tạo việc làm, đến cán cân thanh toán…

Nếu chỉ xét trên một chỉ tiêu, và lâu nay chúng ta chỉ xét trên chỉ tiêu tăng trưởng để đánh giá điều hành của chính quyền có tốt hay không, là hoàn toàn không hợp lý. Nếu tăng trưởng đạt 7% mà bên cạnh đó lạm phát trên 10% thì lập tức nền kinh tế gặp biến cố, ảnh hưởng đến đời sống xã hội.

Nhưng có những chỉ tiêu có thể đánh giá được, ví dụ như giảm nghèo. Dù gì đi chăng nữa thì nâng cao đời sống nhân dân vẫn là mục tiêu cuối cùng. Vì vậy chỉ tiêu giảm nghèo luôn là chỉ tiêu rất quan trọng và nên bám vào đó để đánh giá.

Chỉ khi không đạt chỉ tiêu này thì mình mới phân tích tiếp xem là do chủ quan hay khách quan. Ví dụ như một huyện đạt chỉ tiêu giảm nghèo từ 20% xuống 15%, nhưng năm nào họ chỉ cần dính một trận bão thì có khi tỷ lệ hộ nghèo của họ 22% có khi vẫn là tốt. Vì trận bão ấy, nếu không có sự tích cực của huyện thì tỷ lệ có khi lến đến 50%.

Vì vậy, theo tôi việc đánh giá hiệu quả điều hành của một cấp hoàn toàn không nên dựa vào một vài chỉ tiêu nào đó, hoặc hoàn toàn không nên so sánh chỉ tiêu kế hoạch với chỉ tiêu thực hiện mà cần phân tích kỹ hơn nguyên nhân khách quan và chủ quan. Chỉ khi nào thất bại ấy do nguyên nhân chủ quan thì lúc ấy mới được phép rút ra những kết luận về hiệu quả điều hành của cấp chính quyền.