06:10 01/11/2015

“Duy nhất Việt Nam vẫn coi trừng trị là mục đích của hình phạt”

Nguyên Vũ

Theo nghị trình, chiều 25/11 Quốc hội sẽ biểu quyết thông qua Bộ luật Hình sự (sửa đổi)

Trung tướng Trần Văn Độ, nguyên Phó chánh án Toà án Nhân dân Tối cao, Chánh án Toà án Quân sự Trung ương.<br>
Trung tướng Trần Văn Độ, nguyên Phó chánh án Toà án Nhân dân Tối cao, Chánh án Toà án Quân sự Trung ương.<br>
Phát biểu gần cuối ngày 30/10 - một ngày thảo luận sửa đổi Bộ luật Hình sự tại nghị trường - Trung tướng Trần Văn Độ, nguyên Phó chánh án Toà án Nhân dân Tối cao, Chánh án Toà án Quân sự Trung ương tỏ rõ sự ngạc nhiên.

Bởi đây là dự án bộ luật đã được xây dựng trong vòng 2-3 năm trước khi trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 9 (tháng 5-6/2015), song chỉ mấy tháng từ đó đến nay thì ông “có cảm tưởng ban soạn thảo đã phá dỡ toàn bộ dự thảo của lần trước”.

“Không ai phản đối vẫn sửa”

Đặc biệt là theo ông, có một số nội dung trong dự thảo lần trước, Quốc hội không ai có ý kiến phản đối, nhân dân cũng rất ít ý kiến phản đối, nhưng không hiểu tại sao trong dự thảo lần này lại thay đổi toàn bộ và quay trở lại như cũ.

“Như vậy không biết có đúng nguyên tắc chúng ta xây dựng luật hay không? Khi đã dự thảo và Quốc hội đồng ý, không ai phản đối, thì tôi nghĩ không nên sửa đổi, thay đổi”, ông Độ thể hiện quan điểm.

Ví dụ cụ thể được tướng Độ đề cập là mục đích của hình phạt. Theo ông thì hình phạt là biện pháp cưỡng chế Nhà nước nên tính trừng trị của hình phạt là tất yếu, nhưng để lấy trừng trị làm mục đích của hình phạt, của một chính sách hình sự và nhà nước thì có lẽ không hợp lý.

“Chúng ta dùng trừng trị để răn đe, giáo dục con người. Bất kỳ quốc gia nào lấy trừng trị là mục đích thì không ổn. Trên thế giới, tôi nghiên cứu rất nhiều nước thì chỉ có Việt Nam là nước duy nhất còn lại vẫn coi trừng trị là mục đích của hình phạt”, ông Độ nói.

Điều được ông nhấn mạnh là việc coi trừng trị là mục đích của hình phạt thì trong dự thảo trước đã bỏ.

Còn dự thảo mới nhất trình Quốc hội thảo luận ngày 31/10, tại điều 31 về mục đích của hình phạt vẫn quy định: “Hình phạt không chỉ nhằm trừng trị cá nhân, pháp nhân phạm tội mà còn giáo dục họ ý thức tuân theo pháp luật và các quy tắc của cuộc sống, ngăn ngừa họ phạm tội mới; giáo dục cá nhân, pháp nhân khác tôn trọng pháp luật, phòng ngừa và đấu tranh chống tội phạm”.

7 triệu lượt nhân dân góp ý cho dự thảo

Cho biết là có cùng băn khoăn như đại biểu Trần Văn Độ, Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng - An ninh Nguyễn Thanh Hồng nhìn nhận, đối với bộ luật lớn như Bộ luật Hình sự mà đến tận bây giờ vẫn còn rất nhiều ý kiến khác nhau.

Theo báo cáo của Chính phủ thì đã có khoảng 7 triệu lượt nhân dân tham gia góp ý cho dự thảo, nhưng ông Hồng cho rằng, đó thực ra là ý kiến của các bộ, ngành và hội đồng nhân dân các cấp. Chính vì thế chưa thực sự phản ánh đối tượng trực tiếp là người dân.

Đăng đàn cuối cùng tại phiên thảo luận, nhấn mạnh việc sửa đổi Bộ luật Hình sự là một vấn đề cực kỳ hệ trọng, Phó chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh, đại biểu Hồ Trọng Ngũ chỉ rõ điểm khác hẳn của bộ luật này với các đạo luật khác. Đó chính là vũ khí để đấu tranh chứ không phải như là những đạo luật khác là công cụ quản lý. Theo ông thì còn rất nhiều vấn đề cần phải bàn cho thấu đáo, khi mà đột nhiên lại thay đổi một cách căn bản toàn bộ chính sách hình sự.

Trái với sự đồng tình rất cao của nhiều vị đại biểu phát biểu trước đó về sự cần thiết phải quy định trách nhiệm hình sự pháp nhân, ông Ngũ lập luận: có ai quy định pháp nhân là tội phạm đâu mà bảo pháp nhân phạm tội?

Theo ông thì pháp luật hiện hành đã có một hệ thống chế tài để xử lý pháp nhân, vấn đề chính là quá trình xử lý đã không áp dụng, không kiên quyết, không triệt để chứ không phải là không đủ cơ sở pháp lý. Để đến bây giờ lại đặt vấn đề trách nhiệm hình sự pháp nhân thay đổi quan điểm về thể nhân phạm tội đã được xây dựng từ mấy chục năm qua.

Gói lại một ngày thảo luận, Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nói, Bộ luật Hình sự (sửa đổi) là một bộ luật lớn rất quan trọng, liên quan trực tiếp đến quyền con người, quyền công dân, cơ quan tổ chức, có những vấn đề rất phức tạp, rất mới nên ý kiến khác nhau cũng là chuyện đương nhiên.

Phó chủ tịch cũng đề nghị Quốc hội sẽ cho lấy phiếu thăm dò đối với những vấn đề mới và có ý kiến khác nhau để có thể biết được chính kiến, quan điểm chung của Quốc hội.

Đối với những vấn đề còn có ý kiến khác nhau người nào nói, cơ quan nào phát biểu cũng có lập luận lý lẽ, có cơ sở của mình nhưng cuối cùng chúng ta vẫn phải đi đến một nguyên tắc chung khi sửa đổi, bổ sung luật là cái gì sửa là phải trên cơ sở tổng kết đã chín và đồng thuận cao thì chúng ta đưa vào dự thảo, ông Lưu khái quát.

Phó chủ tịch cũng cho biết sẽ chỉ đạo, giải trình lại tất cả những vấn đề mà các vị đại biểu Quốc hội nêu ra tại phiên thảo luận.

Theo nghị trình, chiều 25/11 Quốc hội sẽ biểu quyết thông qua Bộ luật Hình sự (sửa đổi).