Gặp Tổng bí thư, cử tri phê bình Quốc hội
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng: “Bây giờ không chỉ Quốc hội bàn việc nước, mà toàn dân bàn việc nước”
Tiếp xúc với Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng sau kỳ họp thứ nhất của Quốc hội khoá 14 sáng 6/8, bên cạnh gửi gắm và kỳ vọng, một số cử tri ở hai quận Hoàn Kiếm và Ba Đình (Hà Nội) cũng đưa ra nhiều ý kiến phê bình, góp ý với Quốc hội.
Hình ảnh được nhiều cử tri nhắc đến chính là lễ tuyên thệ nhậm chức của Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ và Chánh án Toà án Nhân dân Tối cao.
Bày tỏ sự tin tưởng tuyệt đối vào lời tuyên thệ của các vị lãnh đạo trước toàn dân tộc, ông An Chất (Hoàn Kiếm) mong 494 vị đại biểu Quốc hội khoá 14 “nói đi đôi với làm”.
“Lễ tuyên thệ nhậm chức đã tạo ra luồng sinh khí mới, nhân dân có niềm tin mới, mong các vị đại biểu có tâm, có đức, sau đó là có tài năng để không thất hứa với cử tri”, ông Đặng Tài Tính (Ba Đình) phát biểu.
Gửi gắm mong muốn Tổng bí thư quyết liệt chống tham nhũng, xây dựng Chính phủ liêm chính, cử tri Đặng Tài Tính nhấn mạnh yêu cầu mỗi vị đại biểu cần làm tròn trách nhiệm, chứ không chỉ cả nhiệm kỳ có mặt ở Quốc hội chỉ để lấy cái ghế.
“Nếu vị nào thấy không đảm đương được trọng trách thì tự nguyện rút lui”, ông Tính đề nghị.
Nhắc đến vụ việc hai người trúng cử đại biểu Quốc hội nhưng không được xác nhận đủ tư cách, ông Tính băn khoăn là tại sao quy trình lựa chọn ứng viên được cho là chặt chẽ mà vẫn để xảy ra sự việc như vậy. Ông đề nghị cần làm rõ trách nhiệm để tránh việc tương tự.
Luật Biểu tình lùi mãi chưa ban hành được, rồi Bộ luật Hình sự 2015 cũng phải lùi hiệu lực thi hành, kéo theo nhiều hệ luỵ, điều này theo cử tri Nguyễn Phi Tính (Hoàn Kiếm) thì cần phải xem xét trách nhiệm một cách nghiêm túc.
Cử tri Nguyễn Thanh Bền (Ba Đình) nhận xét, vai trò giám sát của Quốc hội với công việc bảo vệ Tổ quốc còn quá lỏng lẻo, biểu hiện qua việc quản lý người nước ngoài vào Việt Nam.
Điểm lại những vấn nạn an toàn thực phẩm, nợ xấu, nợ công…, cử tri Bền đề nghị Quốc hội vào cuộc quyết liệt để giải quyết.
Vị cử tri này còn đề nghị cần đổi mới hoạt động tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội, để càng đông cử tri tham dự càng tốt, chứ không nhất thiết là tiếp xúc ở phòng kín (cử tri nào có giấy mời mới được tham dự - PV) như cuộc tiếp xúc đang diễn ra. Thậm chí, ông Bền cho rằng có thể bắc loa để nhiều cử tri cùng nghe.
Vẫn theo ông Bền, bên cạnh đổi mới về hình thức cũng cần đổi mới cả nội dung, dành nhiều thời gian cho cử tri thảo luận, báo cáo về kết quả kỳ họp cần súc tích hơn, ngắn gọn hơn.
“Cũng không nhất thiết cứ đến trước và sau kỳ họp Quốc hội mới tiếp xúc, mà nếu chỗ nào dân bức xúc thì đại biểu Quốc hội nên đối thoại trực tiếp với dân”, ông Bền đề nghị.
Hồi âm ý kiến cử tri, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng nói Quốc hội đang đổi mới, và qua 14 nhiệm kỳ qua đã đổi mới nhiều lắm.
“Ngày xưa cứ nói Quốc hội là cây cảnh, là quyết định cái mà người ta đã quyết định rồi, đại biểu chỉ để giơ tay, bấm nút, giờ không phải”, ông khẳng định.
Với việc tiếp xúc cử tri, theo Tổng bí thư cũng đã đổi mới nhiều, ý kiến cử tri chuẩn bị rất kỹ, sâu sắc. “Bây giờ không chỉ Quốc hội bàn việc nước, mà toàn dân bàn việc nước”, ông nhìn nhận.