08:08 09/06/2017

Giải trình về sân bay Long Thành “chưa thuyết phục”

Hà Vũ

Áp lực lên sân bay Tân Sơn Nhất trong thời gian tới là rất lớn

Đại biểu Trần Thị Phương Hoa (Hà Nội) phát biểu về dự án sân bay Long Thành.
Đại biểu Trần Thị Phương Hoa (Hà Nội) phát biểu về dự án sân bay Long Thành.
Chính phủ chưa thực sự nghiêm túc thực hiện nghị quyết của Quốc hội, Bộ Giao thông Vận tải giải trình cũng chưa thuyết phục.

Đó là nhận xét của một số đại biểu khi Quốc hội thảo luận về việc tách nội dung bồi thường, hỗ trợ, tái định cư thành dự án thành phần để triển khai dự án sân bay Long Thành, chiều 8/6.

Rút kinh nghiệm

Sốt ruột trước tiến độ của dự án đã được Quốc hội đồng ý về chủ trương hai năm trước mà đến nay vẫn chưa triển khai được gì nhiều, một số đại biểu đồng ý tách dự án như đề xuất của Chính phủ để đẩy nhanh tiến độ.

Tuy nhiên, ở góc nhìn khác, một số vị đại biểu cho rằng Chính phủ không những đã chậm trễ thực hiện Nghị quyết 94 của Quốc hội (thông qua cuối tháng 6/2015) lại còn xin ra nghị quyết khác để hợp thức hoá sự chậm trễ này. 

Đặc biệt là kinh phí cho dự án thành phần mà Chính phủ xin tách cũng đã tăng từ 18 nghìn tỷ lên 23 nghìn tỷ, trong khi vốn ngân sách mới bố trí được có 5 nghìn tỷ.

Đại biểu Đặng Thuần Phong (Bến Tre) băn khoăn vì đã qua hai năm kể từ ngày quyết chủ trương đầu tư, chưa thấy mặt dự án đâu cả, giờ lại thay đổi hàng loạt vấn đề. 

Số tiền đã bố trí 5 nghìn tỷ, theo đại biểu Phong là đã thể hiện trách nhiệm của Quốc hội, còn lại thì đề xuất của Chính phủ chưa giúp đại biểu nhận diện được huy động nguồn vốn nào, ở đâu. Lý giải của Chính phủ như thế là không thoả đáng, ông Phong nhấn mạnh.

Trước phiên thảo luận, Bộ Giao thông Vận tải đã gửi đến các vị đại biểu báo cáo giải trình, trong đó có hồi âm băn khoăn của đại biểu về đánh giá rủi ro trong trường hợp Quốc hội không thông qua nghiên cứu khả thi dự án này, sau khi thực hiện thu hồi giải phóng mặt bằng.

Đại biểu Trần Thị Phương Hoa (Hà Nội) cho rằng, báo cáo "chưa đánh giá khách quan", và giải trình còn "loanh quanh", chủ yếu nói về sự cần thiết phải tách mà chưa đề cập việc phải đối mặt với rủi ro nếu nghiên cứu khả thi không được thông qua.

Theo đại biểu Lê Thanh Vân (Cà Mau) thì việc tách dự án nếu làm từ đầu chắc không vấn đề gì, nhưng giờ mới đề xuất, nếu sau đó Quốc hội thông qua báo cáo khả thi dự án thì rủi ro cho khoản đầu tư giải phóng mặt bằng rất lớn. 

"Giải trình của Bộ Giao thông Vận tải vừa đưa ra sáng nay chưa thuyết phục, chưa rõ ràng, chưa thấy sự rủi ro giảm đi", ông Vân chung nhận xét với đại biểu Hoa.

Áp lực lớn cho Tân Sơn Nhất

Phó bí thư Thành uỷ Tp.HCM, đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm nói, song hành trong quá trình chuẩn bị xây dựng sân bay Long Thành là việc mở rộng nâng cấp sân bay Tân Sơn Nhất, nên các đơn vị liên quan phải đưa ra các phương án sao cho hợp lòng dân nhất, tiết kiệm nguồn vốn và đất đai nhất.

Bà Tâm cũng nêu thực tế, hiện nay nhiều người dân chưa yên tâm về cách sử dụng đất trong khuôn viên sân bay Tân Sơn Nhất. “Dù chúng ta rất tích cực, nhưng rõ ràng nó chưa hiệu quả và còn có những vấn đề khả thi chưa cao, tính minh bạch chưa có, sự đồng thuận trong nhân dân chưa có”, bà Tâm phát biểu.

Cùng đoàn Tp.HCM, đại biểu Trần Anh Tuấn cho rằng, dù sân bay Tân Sơn Nhất có nâng cấp mở rộng đúng tiến độ cũng không đáp ứng được nhu cầu vận chuyển hành khách, trong khi đó sân bay Long Thành khó có thể đảm bảo tiến độ giai đoạn một vào năm 2025. Vì vậy, áp lực lên sân bay Tân Sơn Nhất trong thời gian tới là rất lớn.

Kiến nghị của đại biểu này là cần tập trung nguồn lực để đẩy nhanh tiến độ nâng cấp sân bay Tân Sơn Nhất, đáp ứng công suất từ 43-45 triệu hành khách/năm. Đồng thời xóa bỏ hình ảnh mà theo ông là, “sân golf thông thóang bên cạnh một sân bay Tân Sơn Nhất bề bộn, ách tắc”.

Đại biểu Nguyễn Hồng Hải (Bình Thuận) cho rằng hiện sân bay Tân Sơn Nhất đã quá tải nghiêm trọng, nhiều tuyến bay đến nay phải lòng vòng trên trời, gây mất an toàn hàng không. Trong khi đó, đường vào sân bay cũng thường xuyên bị ùn tắc nghiêm trọng, điều nay ảnh hưởng đến việc đi lại của hành khách.